Cách đây hơn 20 năm, tôi là một học sinh cấp 2 trường huyện chuyển trường sang học cấp 3 tại TP. Long Xuyên. Điều ấn tượng với tôi đó là các hiệu sách luôn tấp nập học sinh, sinh viên, người đi làm đến tham quan, miệt mài đọc sách hàng giờ. Người không có điều kiện mua sách thì tìm đến Thư viện tỉnh tại đường Phan Đình Phùng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), nay là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh.
Từ người trẻ, đến người lớn tuổi đều chăm chú đọc từng tờ báo, lựa chọn những quyển sách hay để mang về nhà đọc. Chính không khí hăng hái đọc sách, báo ngày ấy mà bây giờ người ta hay dùng là “văn hóa đọc” đã tiếp thêm động lực đọc sách, học tập cho những cô cậu học trò lứa tuổi 7X, 8X.
Thế rồi, Thư viện tỉnh được di dời về địa chỉ mới ở đường Lê Triệu Kiết (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho đến nay. Bạn đọc càng yêu thích hơn với những khoảng không gian rộng rãi, sạch đẹp, đầy đủ bàn ghế để học sinh, sinh viên, người đọc sách dành hàng giờ thưởng thức những quyển sách yêu thích. Bản thân tôi ngoài giờ học trên lớp, đến các buổi hay cả ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần đều đắm mình trong không gian sách của Thư viện tỉnh.
Đến những năm đại học, Thư viện tỉnh càng trở nên quan trọng đối với sinh viên chuyên ngành xã hội. Mỗi khi cần tìm kiếm những nội dung phục vụ cho các môn học về văn hóa, phong tục, con người Việt Nam, đặc điểm 54 dân tộc Việt Nam, về nền lịch sử, văn học Việt Nam hay tìm hiểu về lịch sử địa phương, Địa chí An Giang… tôi tìm đến phòng đọc Thư viện tỉnh để tra cứu, học tập.
Đọc sách tại Phòng đọc Thư viện tỉnh
Vậy mà từ lúc ra trường cho đến khi đi làm đã hơn 10 năm, nhịp sống lao động đã làm tôi không thể dành thời gian để đọc sách, bồi đắp tâm hồn. Internet càng phát triển, mạng xã hội càng nở rộ đã trở thành kênh ưu tiên cho sự tìm kiếm và giải trí mỗi ngày. Con người dần hình thành thói quen mới, vùi đầu hàng giờ vào không gian ảo, vào những cái gọi là giải trí vui nhộn nhưng không mang tính giáo dục, định hướng hay giúp ta giải quyết khó khăn một cách thấu đáo.
Cho đến 1 ngày, 1 cô bạn thân có cùng tâm trạng đã chia sẻ với tôi, cô ấy nói: “Tôi chợt nhận ra chính tôi và con tôi đang lệ thuộc rất nhiều vào thế giới ảo, mạng xã hội. Tôi nhận ra điện thoại thông minh đang lấy đi rất nhiều năng lượng của tôi mỗi ngày. Tôi cũng không thể học được điều gì bổ ích từ những clip hài hước, trống rỗng. Tôi mất phương hướng đối với cuộc sống, không biết cách nuôi dạy 2 đứa con. Tôi đam mê công việc và giải trí đến mức bỏ mặc đứa con trai mải mê với chiếc điện thoại, để rồi sau đó chợt nhận ra con 5 tuổi mà vẫn chưa nói chuyện được, con mắc chứng rối loạn tâm lý phổ tự kỷ…”.
Người bạn trong quá trình đưa đến chuyên gia điều trị cho con đã được lời khuyên cần dành thời gian, tình cảm để có thể chữa lành cho con tốt hơn. Bạn tôi bắt đầu đọc các loại sách về chữa bệnh tự kỷ, bắt đầu thay đổi bản thân từ việc đọc các loại sách tạo động lực khác. Các con đã thay đổi theo hướng tích hơn.
Do vậy, chính từ câu chuyện của người bạn đã giúp tôi nhìn nhận tình trạng của bản thân và bắt đầu hành trình thay đổi. Tôi đã quay trở lại Thư viện tỉnh, tìm phòng đọc sách ngày xưa nhiều năm gắn bó. Điều ngạc nhiên là phòng đọc đã được bổ sung nhiều kệ sách, đầu sách được phân loại ở nhiều lĩnh vực, như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tôn giáo, triết học, tâm lý, giáo dục, văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, sức khỏe, kiến trúc, thường thức gia đình, kỹ năng sống…
Đã hơn 10 năm, những thông tin thẻ cá nhân của tôi vẫn còn lưu giữ, chú bảo vệ qua 20 năm vẫn bám trụ với công việc, cô thủ thư qua bao năm vẫn là gương mặt quen thuộc, luôn tận tình nhận đổi trả sách cho bạn đọc.
Tôi bắt đầu lựa chọn những quyển sách, như: “Từ IQ đến EQ”, “Cách dạy bé trai tuổi lên 10”, “Những hiểu biết về bệnh ung thư”, “Trí huệ - những hiểu biết thay đổi cuộc đời”, “40 thói quen xấu cần vứt bỏ”, “Chữa lành nỗi đau”, “Quẳng đi gánh lo âu để vui sống”, “Dọn dẹp tối giản”… tất cả như mở ra vùng trời mới, giúp tôi bổ sung những kiến thức, kỹ năng sống bấy lâu chưa kịp vun bồi.
Quả thật, ngay khi ý thức và tìm về “văn hóa đọc” đã tiếp thêm cho tôi nguồn năng lượng mới. Những vấn đề về tâm lý, lo âu về cuộc sống, công việc, tài chính, nuôi dạy con cái dễ dàng được tháo gỡ qua những quyển sách, những “người thầy” xa lạ nhưng tràn đầy yêu thương, luôn mong muốn sẻ chia những điều hay lẽ phải, tri thức, kỹ năng cho cộng đồng, nhân loại.
Không có những quyển sách nào gọi là tuyệt phẩm có thể giải quyết hết mọi vấn đề của con người nhưng ít ra sách đã đọc vị được tâm hồn, giúp ta vượt qua những giai đoạn chông chênh giữa chuyến tàu cuộc đời. Nghiền ngẫm sách để có được người bạn đồng cảm, đồng hành, sách không cho bạn phương pháp tối ưu nhất giải quyết vấn đề, nhưng chí ít đã tạo động lực có thêm sức mạnh để cân bằng cuộc sống và năng lượng tích cực, tiếp tục dấn thân học tập, lao động và cống hiến.
NGỌC GIANG