Trồng dâu kết hợp dịch vụ
Trên diện tích 8000m2, gia đình bà Võ Ngọc Bích trồng khoảng 500 gốc dâu tằm Đà Lạt. Theo bà Bích, phần diện tích này trước đây chủ yếu canh tác rau màu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Mặt khác, trồng rau màu đòi hỏi nhiều công chăm sóc, lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, thị trường bấp bênh... nên hiệu quả kinh tế không khả quan.
Sau thời gian tìm hiểu, năm 2018, gia đình bà Bích quyết định chuyển đổi sang cây dâu tằm. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, gia đình bà Bích đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel và sử dụng pin năng lượng mặt trời. Tổng chi phí xây dựng hệ thống khoảng 400 triệu đồng, trong đó gia đình đối ứng 50%. Nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tự động đã góp phần giảm công chăm sóc, chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình.
Ngoài bán trái tươi, vườn dâu tằm Ngọc Bích còn chế biến thêm nhiều sản phẩm từ dâu tằm để phục vụ khách tham quan
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, thêm vào đó là áp dụng phương pháp canh tác hiện đại nên chỉ sau thời gian ngắn, cây dâu tằm đã sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Theo bà Bích, dâu tằm là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh nên chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp. Sau 1 năm trồng là có thể thu hoạch trái. Cây đẻ nhánh càng nhiều thì ra trái càng sai.
Đặc biệt, loại cây trồng này có thể cho trái quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập. “Cây dâu tằm thu hoạch trong vòng 1 tháng thì nghỉ ngơi khoảng 3 tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần cắt tỉa cành, bón phân để nuôi cây. Do đó, gia đình tiến hành xử lý theo từng khu vực để thu hoạch trái liên tục” - bà Bích chia sẻ.
Hiện, bình quân mỗi ngày, gia đình bà Bích thu hoạch 20-30kg dâu tằm, bán tại địa phương với giá 50.000 đồng/kg. Ngoài bán trái tươi, bà Bích còn mở dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái trái và thưởng thức những trái dâu tươi ngon ngay tại vườn. Cách làm này có ưu điểm là giúp nhà vườn vừa thu được tiền vé, vừa bán được trái cây.
Với giá vé tham quan 10.000 đồng/người, mỗi ngày bà tiếp khoảng 10 khách, những ngày cuối tuần số lượng khách có thể tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, để đa dạng sản phẩm từ dâu tằm, gia đình còn phục vụ thêm các loại thức uống từ trái dâu để nâng cao trải nghiệm cho khách đến tham quan và nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thêm các sản phẩm từ dâu tằm
Trái dâu tằm giàu dinh dưỡng, có nhiều công dụng, như: Hỗ trợ tiêu hóa, chống ô-xy hóa, kiểm soát đường huyết và tăng cường đề kháng cơ thể... Do đó, ngoài bán trái dâu tươi, vườn dâu Ngọc Bích chế biến nhiều sản phẩm từ trái dâu, phục vụ khách tham quan, như: Nước cốt dâu tằm, rượu dâu tằm, mứt dâu tằm... Trong đó, sản phẩm chủ lực là nước cốt dâu tằm, được chế biến từ những quả dâu tằm tươi ủ lên men tự nhiên với đường, tạo nên hương vị đặc trưng. Sản phẩm không hóa chất, không chất bảo quản nên đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng.
Ngoài ra, các sản phẩm trên được thiết kế bao bì, nhãn mác tinh tế, thích hợp để làm quà cho bạn bè, người thân. Đặc biệt, với việc sử dụng giấy kraft làm bao bì, nhãn mác đã được thị trường đánh giá cao, bởi đây là chất liệu có thể tan trong nước, góp phần bảo vệ môi trường.
“Thời gian qua, được sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng... trong việc hỗ trợ đầu ra, tham gia trưng bày tại các kỳ hội chợ, triển lãm nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... Các sản phẩm được đóng gói theo thể tích từ 0,5-1 lít, giá bán từ 50.000-80.000 đồng (tùy thuộc vào chất liệu chai). Bình quân mỗi tháng, chúng tôi cung ứng ra thị trường 100 sản phẩm các loại” - chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh (con gái bà Bích) chia sẻ.
Chính việc thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào cây trồng mới đã giúp gia đình bà Võ Ngọc Bích thu về những “trái ngọt” đầu tiên và cảm thấy rất phấn khởi với mô hình trồng cây dâu tằm Đà Lạt. Mô hình hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.
Hiện nay, ngoài dâu tằm, gia đình bà Bích còn tiến hành trồng thêm mít Thái xen kẽ với dâu tằm nhằm tăng thêm thu nhập. Thời gian tới, gia đình bà Bích dự định tạo thêm một số cảnh quan, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu tham quan, “check-in” tại vườn của du khách. Đồng thời, chế biến thêm nhiều sản phẩm mới từ trái dâu tằm để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng...
|
ĐỨC TOÀN