Trồng hồng xiêm Mexico, sử dụng phân hữu cơ sinh học

04/06/2024 - 06:40

 - Tiên phong trong việc đưa cây hồng xiêm Mexico (sapoche Mexico) về vùng đất cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), sử dụng phân hữu cơ sinh học đã giúp anh Tô Trung Đoàn (ấp Vĩnh Thạnh) gặt hái những thành công nhất định. Mô hình mở ra hướng đi mới trong canh tác nông nghiệp và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

Bén duyên với cây trồng mới

Tình cờ đọc được quyển sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi, anh Tô Trung Đoàn nhận thấy nhiều loại trái cây Việt Nam, trong đó cây sapoche vừa thơm ngon vừa có tính dược, tốt cho sức khỏe. Từ đó, anh Đoàn nảy ra ý định trồng loại cây ăn trái này với mong muốn cung cấp sản phẩm nông nghiệp tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sau tìm hiểu, anh Đoàn quyết định chọn cây sapoche Mexico để canh tác. Đây là giống cây trồng được đánh giá nổi bật về ngoại hình, chất lượng trái và hương vị so với các giống sapoche thông thường.

Hình dáng trái to, tròn, vỏ rám, màu nâu đất vàng nhạt. Khi xanh, trái sẽ cứng, cầm chắc tay. Khi chín, da quả chuyển nhăn, lấy tay nhấn nhẹ vào trái sẽ cảm thấy mềm. Chín đủ độ, trái sẽ có mùi thơm dịu đặc trưng, cắt ra sẽ thấy lớp thịt nâu đậm đà, khi thưởng thức sẽ cảm nhận vị ngọt đậm, hậu dịu dàng không gây gắt cổ…

Mô hình trồng sapoche mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh  Đoàn

Trước khi áp dụng mô hình, anh Đoàn đã tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây từ sách, báo và tham khảo các mô hình hiệu quả. Sau khi nắm cơ bản kỹ thuật, cách đây 5 năm, anh Đoàn tiến hành trồng thử nghiệm 90 gốc sapoche Mexico. Sau hơn 1 năm đưa vào trồng, vườn hồng xiêm bắt đầu cho trái, bán được giá cao nên anh Đoàn tin tưởng vào loại cây trồng này.

Để sapoche Mexico sinh trưởng và phát triển tốt, anh Đoàn cho biết, trước khi trồng cần cải tạo, phơi đất 3 - 6 tháng để đất thoáng khí. Sau đó, bón phân hữu cơ để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Đến khi được khoảng 2 năm tuổi, cây bắt đầu tạo tán, tỉa cành để cho cây thoáng và phát triển tốt. Đối với vườn 5 năm tuổi, sản lượng trái mỗi năm đạt khoảng 300kg.

Theo anh Đoàn, trồng cây sapoche Mexico cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính là rệp sáp trên trái non và ruồi vàng, sâu đục thân. Do đó, cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện các loại sâu hại gây bệnh. Từ đó, đưa ra biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.

Hiện, giá bán sapoche được anh Đoàn giao cho các sạp ở TX. Tân Châu bình quân 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán cây giống với giá 70.000 đồng/cây. Cây giống cung cấp khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông, được khách hàng gần xa đón nhận.

Sử dụng phân hữu cơ tự nhiên

Một trong những điểm đặc biệt đối với mô hình trồng sapoche Mexico của anh Tô Trung Đoàn là việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học. Anh Đoàn chia sẻ: “Tôi lựa chọn canh tác theo hướng hữu cơ sinh học vì mong muốn tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất và thân thiện với môi trường. Sử dụng phân hữu cơ sinh học, năng suất trái đảm bảo; chất lượng, hương vị trái được bà con đánh giá cao. Đặc biệt, thời gian bảo quản lâu hơn so với các loại trái cây thông thường…”.

Phân bón hữu cơ sinh học anh Đoàn sử dụng là các loại rau, củ, quả, phế phẩm nông nghiệp ủ để làm phân. Đồng thời, kết hợp sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học hiện có trên thị trường. Việc bón các loại phân hữu cơ sinh học trực tiếp cho cây trồng tạo một lớp đất tơi xốp, bộ rễ của cây dễ phát triển mạnh. Với lớp đất này, người dân không sợ đất bạc màu do sử dụng phân bón vô cơ.

Ngoài những ưu điểm nói trên, sử dụng phân hữu cơ sinh học còn giúp anh Đoàn tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tạo đất hiệu quả và thân thiện với môi trường… “Thời gian tới, tôi muốn phát triển mô hình theo hướng liên kết với nông dân khác để mở rộng diện tích. Từ đó, hướng đến việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, cấp mã số vùng trồng… vừa tiêu thụ ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu loại nông sản này…” - anh Đoàn chia sẻ thêm.

Mô hình trồng sapoche Mexico sử dụng phân hữu cơ sinh học của anh Tô Trung Đoàn đã mở ra hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp địa phương. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy nông dân từng bước đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp có trị giá kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

ĐỨC TOÀN