Học sinh Trường tiểu học bán trú "A" Long Thạnh rất thích thú với những món ăn có đầy đủ dinh dưỡng
Tuy vậy, tại các trường tiểu học, việc mang đến bữa ăn ngon, đa dạng, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một thách thức lớn. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ bán trú tại các trường vẫn chưa qua đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng, chủ yếu xây dựng thực đơn dựa trên kinh nghiệm cá nhân và tình hình thu chi hàng tháng.
Dự án "Bữa ăn học đường" với Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đóng góp giải pháp thiết thực cho nhà trường trong công tác xây dựng thực đơn bán trú hợp lý. Dự án do Công ty Ajinomoto Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp triển khai từ năm 2012.
Phần mềm cung cấp một ngân hàng thực đơn đa dạng với 120 bộ thực đơn và 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa bán trú cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi. Các trường tiểu học có thể tự tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong thực đơn hoặc từ nguồn nguyên liệu phổ biến tại địa phương. Phần mềm hỗ trợ nhà trường tính toán và quản lý hiệu quả chi phí bán trú.
Tại An Giang, thông qua hội nghị triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, dự án đã được triển khai đến 23 trường tiểu học bán trú trên toàn tỉnh từ tháng 8-2017. Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh (TX. Tân Châu) là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng tích cực những nội dung của dự án trong công tác bán trú.
Xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp
Hiểu được tầm quan trọng của bữa ăn học đường, Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh đã nỗ lực triển khai dự án. Có mặt tại trường ngay giờ ăn, hơn 700 học sinh ăn cơm rất ngon miệng và thích thú. Em Hồ Lê Quỳnh Mai (học sinh lớp 5C) chia sẻ: "Mấy cô nấu ăn rất ngon và bổ dưỡng với nhiều loại thịt, rau, củ con rất thích". Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (Bếp trưởng" cho biết: "Trước đây phải bỏ rất nhiều thời gian chọn thực phẩm, lên thực đơn. Được Ban Giám hiệu chia sẻ thực đơn dinh dưỡng mới, có 360 món ăn có sẵn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp mọi lứa tuổi chúng tôi rất an tâm".
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hương chia sẻ: "Dù đã thực hiện mô hình bán trú hơn 10 năm nhưng trường vẫn gặp khó trong việc lên thực đơn, chỉ dựa vào kinh nghiệm, chưa định lượng. Bữa ăn chưa đa dạng các món ăn và chưa cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là đa số các bé không thích ăn rau, củ và ăn đa dạng các loại thực phẩm. Từ khi thực hiện dự án, chúng tôi rất mừng vì dự án giúp nhà trường giải quyết những khó khăn trên, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của học sinh".
Với tổng số học sinh bán trú 760 em, Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh đã xây dựng kế hoạch rõ ràng trong việc sử dụng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng mà Phần mềm cung cấp. Bước đầu áp dụng thực đơn của dự án chỉ từ 1 ngày trong tuần, dần dần tăng dần số ngày áp dụng. Đến nay, trường đã sử dụng thành thạo phần mềm và áp dụng thực đơn tất cả các ngày trong tuần.
Cô Hương cho biết: “Nhiều em trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn cá hay rau thì giờ đã biết ăn đa dạng thực phẩm, từ đó tác động đến thói quen ăn uống của các em, giúp các em có thói quen ăn uống lành mạnh hơn, góp phần nâng cao tầm vóc của các em trong tương lai". Trong suốt quá trình triển khai, đại diện ban dự án- Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đến thăm, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc để nhà trường sử dụng thành thạo phần mềm.
Tăng cường giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh
Áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức”, một nội dung trọng tâm khác của dự án cũng được nhà trường triển khai hiệu quả. Trước mỗi giờ ăn, các em học sinh được giới thiệu thực đơn và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm trong thực đơn. Nhà trường còn in và treo bộ áp phích cỡ lớn tại khu vực đông học sinh qua lại và vui chơi trong khuôn viên nhà trường. Trong suốt quá trình dùng bữa, cán bộ bán trú thường xuyên quan sát và động viên học sinh ăn đa dạng nhiều chủng loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ-nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng dồi dào.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lý Thanh Tú chia sẻ: "Việc xây dựng bữa ăn học đường cho các cháu tại các trường bán trú không chỉ phụ huynh, mà ngành giáo dục rất quan tâm. Vì thế khi có Dự án "Bữa ăn học đường" do Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu, chúng tôi đã tổ chức hội nghị chia sẻ cho các trường có tổ chức ăn bán trú. Đến nay đã có 23 trường bán trú thực hiện phần mềm dinh dưỡng cho các em. Với sự hỗ trợ của phần mềm, chúng tôi xây dựng được bữa ăn ngon phù hợp cho các em”.
Thật vậy, thông qua việc áp dụng những nội dung của Dự án "bữa ăn học đường" trong công tác bán trú, Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh đã ghi nhận được nhiều tín hiệu đáng mừng. Các em học sinh dần thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều rau, củ và đa dạng thực phẩm.
Tính đến tháng 8-2019, dự án đã được triển khai áp dụng tại 3.132 trường tiểu học tại 52 tỉnh, thành phố toàn quốc. Ban dự án hy vọng trong thời gian sắp tới, “Bữa ăn học đường” sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa tại các trường tiểu học bán trú tại An Giang cũng như các tỉnh, thành phố còn lại, góp phần cải thiện tầm vóc và trí tuệ cho thế hệ tương lai của đất nước.
KIM CHÂU