Sự kiện văn hoá độc đáo này thu hút sự tham dự của trên 100 người, với đa số là bạn bè Đức và quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, buổi đọc truyện và biểu diễn "Tổ khúc Kiều" được hiệp hội "Die Märchen 1001" (Truyện cổ tích 1001) của thành phố Dresden bảo trợ và tổ chức nhằm tôn vinh tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, góp phần quảng bá và phát triển văn hoá Việt Nam tại Đức. Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, đại diện ban tổ chức đã tóm lược về Truyện Kiều, tác phẩm vốn đã được chuyển sang hơn 20 ngôn ngữ khác.
Tác phẩm được giới thiệu là văn học sử thi kinh điển của nền văn học Việt Nam, mở ra cho người nghe một thế giới văn hoá mới mẻ với những âm vần và hình ảnh thi ca bất ngờ, trong khi "cha đẻ" của tác phẩm là đại thi hào Nguyễn Du - người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Danh nhân Văn hóa Thế giới năm 2013. Bản dịch sang tiếng Đức "Das Mädchen Kiều" được vợ chồng cố nhà thơ, nhà báo người Đức Irene và Franz Faber mất 7 năm liên tục học tiếng Việt, tìm hiểu, tra cứu các ý thơ để hoàn thành tác phẩm này.
Theo ban tổ chức, bản dịch tiếng Đức đã nổi tiếng từ lâu ở Đức, do vậy, ban tổ chức muốn mở rộng giới thiệu tác phẩm này cho công chúng Đức. Đặc biệt, ý tưởng này đã "cập bến" khi gặp "Tổ khúc Kiều" - tác phẩm gồm 7 chương được Giáo sư Đặng Ngọc Long sáng tác riêng cho mô hình các buổi đọc Truyện Kiều, một ý tưởng được đánh giá là rất độc đáo. Do vậy, ban tổ chức đã quyết định tổ chức buổi đọc Truyện Kiều ở Dresden, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc, nhằm mang đến cho bạn bè Đức và quốc tế cũng như cộng đồng người Việt hiểu thêm về văn học và văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá, phát triển và thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức.
Buổi đọc truyện được thực hiện với chất giọng truyền cảm của nữ ca sĩ, kiêm phát thanh viên nổi tiếng Christiane Voigt trên nền nhạc "Tổ khúc Kiều" đã được khán giả nhiệt liệt đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều khán giả Đức cũng đánh giá cao tác phẩm "Tổ khúc Kiều" từ sự độc đáo của ý tưởng biên soạn cũng như sự hòa quyện của âm nhạc vào tiếng thơ của Truyện Kiều. Một số khán giả người Việt bày tỏ tự hào khi được nghe lời thơ, tiếng đàn của Truyện Kiều và "Tổ khúc Kiều" hòa quyện, vang lên ở một nơi xa lạ, cách nơi tác phẩm gốc Truyện Kiều ra đời nửa vòng Trái Đất.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Đức, Giáo sư Đặng Ngọc Long cho biết do tác phẩm “Tổ khúc Kiều” gắn liền với Truyện Kiều, hơn nữa tác phẩm âm nhạc này đã được đánh giá cao trong thời gian vừa qua và đã được chọn làm bài thi bắt buộc cho Cuộc thi Guitar quốc tế năm 2020 tại Berlin, nên ban tổ chức đã liên hệ để trực tiếp mời ông tham gia trình diễn trong buổi đọc truyện, nhằm góp phần thêm sinh động và ý nghĩa cho buổi đọc truyện.
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long cho biết, tuy đây không phải là lần đầu biểu diễn "Tổ khúc Kiều", song lần trình diễn này mang lại cho ông những cảm xúc khó tả khi được biểu diễn tác phẩm giữa lòng thành phố cổ kính Dresden, nơi được ví như "viên ngọc" của kiến trúc châu Âu bên dòng Elbe. Ngay khi những âm thanh "Tổ khúc Kiều" đầu tiên vang lên từ tiếng đàn mộc, cả hội trường đã lặng đi để "uống" từng nốt nhạc và lời thơ, với hơi thở hòa quyện trong số phận nàng Kiều.
Tác phẩm Truyện Kiều bản tiếng Đức được vợ chồng cố nhà thơ, nhà báo người Đức Irene và Franz Faber chuyển ngữ từ cuốn truyện mà cụ Faber được Bác Hồ tặng khi ông sang thăm Việt Nam. Ý thức được giá trị cuốn sách, vợ chồng nhà thơ Faber đã nung nấu ý định dịch cuốn sách sang tiếng Đức để phổ biến sự tinh tuý của tác phẩm cho nhân dân Đức và thế giới. Bản dịch tiếng Đức đã được xuất bản lần đầu tại CHDC Đức năm 1964, hơn một năm trước dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, và tái bản một lần năm 1980.
Theo TTXVN