Truyền thông Argentina: Hiệp định Geneva là mốc son của ngoại giao Việt Nam

21/07/2024 - 08:08

Tờ Resumen Latinoamericano khẳng định Hiệp định Geneve năm 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ngày 19/7/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng họp báo tại Trụ sở Phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sĩ) để thông báo về vấn đề thống nhất Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 19/7/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng họp báo tại Trụ sở Phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sĩ) để thông báo về vấn đề thống nhất Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 20/7, tờ Resumen Latinoamericano đã đăng bài viết ca ngợi ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chiến ở Việt Nam năm 1954, nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử quan trọng này.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, mở đầu bài viết, Resumen Latinoamericano khẳng định cùng với Hiệp định sơ bộ năm 1946 và Hiệp định Paris năm 1973, Hiệp định Geneve năm 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó cũng là minh chứng sinh động cho trường phái đối ngoại, "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết.

Lịch sử ghi nhận chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Geneva, đồng thời tạo lợi thế trên bàn đàm phán trong việc tìm ra giải pháp toàn diện về chính trị và quân sự cho cuộc chiến ở Việt Nam.

Về ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Geneva, Resumen Latinoamericano cho rằng Hiệp định Genève giải quyết vấn đề Đông Dương phù hợp với lập trường của Việt Nam là thiết lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất dân tộc, độc lập và dân chủ của ba nước trong khu vực gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Sau đó, nhiều nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã giành được độc lập bằng nhiều hình thức khác nhau.

Các phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn.

Tờ báo nhấn mạnh trong khoảng thời gian 1954-1964, có tới 17 nước châu Phi giành được độc lập, và đến năm 1967, Pháp buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước thuộc địa.

Trong một bài viết khác cùng ngày, tờ Resumen Latinoamericano đưa tin Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam."

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này, cũng như trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva là chiến thắng của sức mạnh vĩ đại của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Pháp và các nước thuộc địa./.

Theo TTXVN/Vietnam+