Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân

14/10/2020 - 07:50

 - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn do nhà nước tổ chức cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Chính sách BHXH tự nguyện đã mở rộng về đối tượng tham gia, phương thức đóng, mức đóng và chế độ hưởng. Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này, tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, Luật BHXH đã thể chế và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH theo hướng mở rộng và nâng cao quyền tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách cho đông đảo nhân dân lao động vì mục tiêu an sinh cho mọi người lao động khi về già.

Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn,: 30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (tức 120 tháng).

Theo Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện (người dân liên hệ mua BHXH tự nguyện tại các đại lý thu ở các UBND xã, phường, thị trấn, bưu điện văn hóa nơi cư trú).

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ: hưu trí và tử tuất (Khoản 2, Điều 4 Luật BHXH 2014). Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi về già và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đối thoại, tuyên truyền tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với nông dân

Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương với số tiền phải đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.556.000 đồng/tháng. Tùy đối tượng người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng, hiện nay đối với hộ nghèo hỗ trợ 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo hỗ trợ 38.500 đồng/tháng đối tượng khác hỗ trợ 15.400 đồng/ tháng.

Có 6 phương thức đóng: hàng tháng; 3 tháng/lần; 6 tháng/lần; 12 tháng/lần; đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần; đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, người tham gia tiếp tục đóng theo 1 trong 5 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu.

Tham gia BHXH được hưởng: chế độ hưu trí (lương hưu hàng tháng) và trợ cấp 1 lần khi số năm tham gia BHXH vượt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%; hưởng BHXH 1 lần theo quy định, cứ mỗi năm được: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014), 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi), đóng chưa đủ 1 năm thì hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Đối với chế độ tử tuất, được trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu mà qua đời. Trợ cấp tuất, đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014), 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi), tối đa 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 1 năm; tối thiểu 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Để chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống, nhiều năm qua, BHXH tỉnh đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đối thoại, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đến tận địa bàn cơ sở cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ ngày 1-1 đến 30-9, toàn tỉnh đã thực hiện 271 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó phối hợp bưu điện thực hiện 185 cuộc, với sở, ban, ngành và hội, đoàn thể 52 cuộc, với UBND xã phường 32 cuộc, thu hút 18.749 người dân tham dự. Đã phát triển được 4.288 người tham gia BHXH tự nguyện và 2.429 người tham gia BHYT. Đến nay, có 12.665 người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới và duy trì, 1.689.357 người tham gia BHYT.

Tại các buổi tuyên truyền, BHXH tỉnh, huyện giới thiệu những nội dung của Luật BHXH, Luật BHYT, trọng tâm là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong đó nhấn mạnh về đối tượng tham gia; quyền lợi cơ bản được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện; mức đóng, phương thức đóng... giải đáp thắc mắc của người dân về chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, những vướng mắc trong quá trình tham gia BHXH tự nguyện, những vấn đề liên quan đến thủ tục tham gia BHXH, BHYT...

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội An Giang Trần Thị Thu Phượng: “Với mục tiêu hướng đến BHXH, BHYT toàn dân, BHXH tỉnh không ngừng nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, từng bước đã đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân”.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích