Giải quyết bài toán quản lý nước
Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh An Giang phối hợp các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ hình thành kế hoạch phát triển bền vững TGLX.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đang tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án xây dựng hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn là một phần trong kế hoạch đó. “Tiểu vùng TGLX thuộc hạ lưu sông Mekong, khi lũ về thì nước dâng cao, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Đến mùa khô, nhiều vùng bị thiếu nước sản xuất (SX), sinh hoạt.
Điển hình như mùa khô hạn năm 2015-2016, hơn 30.000ha đất nông nghiệp vùng TGLX không SX được do thiếu nước và xâm nhập mặn. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải làm sao trữ lũ để điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường”- Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư phân tích.
Năm 2016, Sở NN&PTNT An Giang đã bàn bạc với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam về lựa chọn mô hình trữ lũ dựa vào nông hộ hoặc trữ lũ bằng công trình lớn. Sau đó, tỉnh cùng các tổ chức quốc tế thống nhất nghiên cứu mô hình hồ trữ lũ rộng hơn 3.000ha phía dưới khu vực đập tràn Tha La - Trà Sư (An Giang), giải quyết bài toán quản lý nước chủ yếu cho An Giang, Kiên Giang cũng như vùng TGLX.
Do tính cấp bách của công trình, Tổ chức GIZ/Chương trình ICMP đã khẩn trương khảo sát, nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các sở, ngành, chính quyền địa phương trong vùng có tác động dự án để hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu khả thi hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn. Đây là cơ sở quan trọng để tiến tới hoàn chỉnh các thủ tục, sớm triển khai dự án.
Sẽ có hồ trữ lũ bên trong khu vực đập Tha La, Trà Sư
Nhiều kỳ vọng
Theo thiết kế ban đầu, dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp. Với cao độ mặt đất khu vực dự án trung bình 1,26m, để hạ thấp cao độ xuống thành 0m, cần nạo vét hơn 137 triệu m3 đất. Hồ chứa dự kiến có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm và cửa cống thay thế cho các đập cao su.
Qua nghiên cứu khả thi, nhóm chuyên gia GIZ/ICMP cùng các chuyên gia trong nước đề xuất không nên đưa rừng Trà Sư vào diện tích dự án nhằm tránh các tác động tiêu cực đến rừng. Nếu không bao gồm rừng tràm Trà Sư, diện tích khu vực hồ chứa là 2.175ha, chiều dài bờ bao 20,94km, khối lượng đào đất gần 97,9 triệu m3.
Có một phương án khác vừa không sử dụng rừng Trà Sư nhưng vẫn đảm bảo diện tích 3.040ha là bổ sung thêm khu vực phía Nam rừng tràm Trà Sư. Khi đó, khối lượng đào đất là 136,8 triệu m3, dù chi phí cao hơn nhưng diện tích hồ chứa tăng và có lợi ích tiềm năng hơn.
Về mặt kỹ thuật, đây là công trình thủy lợi nằm trong hệ thống thủy lợi của vùng, được quản lý bởi Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng TGLX. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ NN&PTNT, các Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm: Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ nên công tác quản lý, vận hành được thống nhất. Về mặt thể chế, dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ cho vùng ĐBSCL, kế hoạch phát triển của các địa phương trong vùng TGLX.
Theo tính toán sơ bộ, nông dân trong vùng dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt có thể thiệt hại gần 2,2 triệu USD/năm khi chuyển từ lúa 2 vụ sang 1 vụ (do ưu tiên trữ lũ) nhưng bù lại, nông dân có thể triển khai các mô hình vườn rau nổi, lồng ghép trồng sen, cây thủy canh, nuôi cá…
Nếu triển khai tốt các mô hình sinh kế thay thế, nông dân trong vùng dự án có thể đạt lợi nhuận cao hơn so với làm lúa 2 vụ vì giảm được chi phí bơm, giảm rủi ro thiên tai, tăng tính phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và sinh kế...
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN