Tự hào huyện anh hùng Chợ Mới

30/04/2025 - 06:00

 - Huyện cù lao Chợ Mới, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở An Giang vào tháng 4/1930, lại là nơi cuối cùng của tỉnh nói riêng, miền Nam nói chung, được giải phóng sau ngày 30/4/1975. “Chợ Mới đã từng bước vươn lên bằng nội lực, thế mạnh vốn có, khẳng định vị thế của một địa phương giàu truyền thống trong tỉnh, anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh nhận định.

Lãnh đạo tỉnh trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia Cột Dây Thép

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh và huyện Chợ Mới, đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Khi thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta, nơi đây đã nổ ra các phong trào chống Pháp với mức độ, sắc thái khác nhau. Ngay sau khi Đảng ra đời ngày 3/2/1930, nhiều cán bộ của Đảng được cử về nước xây dựng tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Tháng 4/1930, Chi bộ Long Điền được thành lập, gồm các đảng viên: Lưu Kim Phong, Đoàn Thanh Thủy, Bùi Trung Phẩm. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chợ Mới, cũng là chi bộ đầu tiên của cả vùng Long Xuyên - Châu Đốc lúc bấy giờ.

Trong suốt 45 năm (1930 - 1975), có những lúc Chợ Mới trải qua những thời kỳ khó khăn đen tối. Phong trào cách mạng bị địch khủng bố nặng nề, cơ sở cách mạng tiêu hao, lực lượng cán bộ, đảng viên mất mát. Có những vùng hoàn toàn trở thành trắng. Có nhiều lần Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Nhiều đồng chí cộng sản hy sinh kiên cường, bất khuất để gầy dựng lực lượng cách mạng, củng cố tổ chức đảng.

Thế nhưng, Chợ Mới luôn đi đầu trong việc xây dựng tổ chức cách mạng, trong khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, làm lực lượng nòng cốt cướp chính quyền toàn tỉnh. Trong vòng vây của kẻ thù, suốt 45 năm (1930 - 1975), phong trào cách mạng chưa bao giờ bị dập tắt, quần chúng Nhân dân luôn tin tưởng Đảng, thương Đảng, thương cách mạng; luôn đùm bọc, tin yêu, theo Đảng và làm theo lời Đảng gọi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất lúa 1 vụ, lực lượng lao động dư thừa, nên nhiều người dân chưa có việc làm ổn định. Hệ thống cầu, đường xuống cấp, kênh rạch bị bồi lắng, việc đi lại và sinh hoạt của Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân lao động còn thấp, cả huyện chỉ có 2 trường THPT, một số xã không có trạm y tế. Năm 1978 và nhiều năm tiếp theo, lũ lụt đã tàn phá nặng nề… Cái ăn, cái ở, việc học hành đi lại, vui chơi giải trí của Nhân dân thiếu thốn, khó khăn.

Với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới chủ động xây dựng cơ bản hoàn thành hệ thống thủy lợi, quy hoạch đê bao chống lũ, theo từng tiểu vùng, nâng diện tích đất sản xuất lên 3 vòng/năm, từ sản xuất lúa 1 vụ lên sản xuất lúa 3 vụ, đáp ứng nhu cầu lương thực cho tỉnh, huyện.

Đặc biệt, với kinh nghiệm làm đê bao chống lũ năm 1978, Huyện ủy Chợ Mới ra nghị quyết xây dựng bờ bao kiểm soát lũ 81 tiểu vùng, gắn với nhựa hóa giao thông nông thôn liên xã 154km, huy động xã hội hóa trong Nhân dân, thực hiện từ năm 1995 - 2000. “Công trình thế kỷ” của huyện có tổng mức đóng góp hơn 80 tỷ đồng, giúp bảo vệ sản xuất, phát triển hạ tầng nông thôn và đảm bảo an toàn cho người dân. Nhờ đó, huyện chuyển từ mô hình sản xuất 2 vụ lúa truyền thống sang 3 vụ/năm, năng suất bình quân 5,2 tấn/ha, mang lại lợi nhuận hơn 60 tỷ đồng, đưa Chợ Mới trở thành vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái lớn nhất tỉnh.

Mô hình đê bao khép kín, kết hợp hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, thực hiện nhựa hóa lộ giao thông nông thôn và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa là nét đặc trưng nổi bật thời bấy giờ. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là thế mạnh thứ hai của huyện. Cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống của huyện được mở rộng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Với thành tích đạt được trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, trên chặng đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng 2 danh hiệu: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2011) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 2015). Chợ Mới còn có 4 xã, 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 84 mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 3.800 gia đình chính sách; 2 di tích lịch sử cấp quốc gia (Cột Dây thép và Chùa Bà Lê)… Hiện, thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện đạt 77,63 triệu đồng/năm. Sản xuất lúa đạt 6,43 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha; cây ăn trái đạt 193,44 triệu đồng/ha; rau màu đạt 464,21 triệu đồng/ha.

Có được những thành tích trên là nhờ sự quyết tâm phấn đấu, cống hiến không ngừng của Đảng bộ, cán bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới suốt 50 năm qua - những người con luôn nỗ lực hết mình vì sự giàu đẹp, văn minh của quê hương.

HẠNH CHÂU