Học sinh tiểu học sẽ không bị kỷ luật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bỏ hình thức kỷ luật đuổi học đối với học sinh, không ghi lỗi của học sinh vào học bạ, không phê bình học sinh trước toàn trường, không kỷ luật với học sinh tiểu học... những điểm mới này trong dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự đồng tình rất lớn từ công luận, nhất là học sinh và các trường.
Tạo cơ hội cho học sinh thay đổi
Đồng tình với những thay đổi của dự thảo, cô Nguyễn Thị Bích, giáo viên Trường Trung học cơ sở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng ở lứa tuổi học sinh, các em chưa phải là những người trưởng thành, còn những thiếu sót trong nhận thức và nhiều khi chưa làm chủ hành vi của mình nên việc phạm lỗi là khó tránh khỏi. “Chúng ta nên tạo cơ hội cho các em sửa chữa,” cô Bích chia sẻ.
Thầy Hà Trung Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trí Đức (Hà Nội) cho rằng việc ghi lỗi của học sinh vào học bạ chẳng khác nào khẳng định phẩm chất học sinh. “Đó là điều tối kỵ. Như vậy, học sinh sẽ bị tổn thương, các em mất niềm tin,” thầy Hưng chia sẻ.
Cũng theo thầy Hưng, Trường Trí Đức từ hàng chục năm nay đã quán triệt giáo viên không ghi lỗi của học sinh vào học bạ. “Nhưng chúng tôi cũng không bỏ qua lỗi của học sinh mà cử giáo viên tìm hiểu để biết được choàn cảnh, tính chất mức độ, sau đó giảng giải cho học sinh,” thầy Hưng cho hay.
Là giáo viên nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên trường Trung học phổ thông Trí Đức cho biết việc học sinh phạm lỗi là rất bình thường và là vấn đề muôn thuở. Lỗi của học sinh cũng rất đa dạng, ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, giáo viên không ghi lỗi của học sinh vào học bạ mà chỉ ghi vào sổ theo dõi. Theo cô Yến, việc ghi lỗi của học sinh vào học bạ có thể sẽ khiến các em bi quan, không tự tin và mất hướng phấn đấu. “Khi học sinh phạm lỗi, thầy cô sẽ phân tích để các em nhận ra và sửa sai. Không ghi vào học bạ là để mở đường cho các con hoàn thiện bản thân,” cô Yến cho hay.
Ngoài không ghi học bạ, tại trường Trí Đức, học sinh cũng không bị phê bình trước toàn trường, hội đồng kỷ luật cũng chưa bao giờ được thành lập và chưa học sinh nào bị đuổi học.
Em Trần Phương Thảo, học sinh Trường Trung học phổ thông Trí Đức cho rằng việc ghi lỗi sai vào học bạ của học sinh thậm chí còn phản tác dụng, sẽ khiến các em khó thay đổi lỗi sai đó hơn. “Trường em chọn cách giảng giải cho học sinh biết sai ở đâu, từ đó giúp học sinh thay đổi. Bạn nào phạm lỗi nặng sẽ được tạm đình chỉ học ở nhà để gia đình làm công tác tư tưởng. Em mong là dự thảo sẽ sớm đi vào thực tế để áp dụng ở các trường khác,” Thảo chia sẻ.
(Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)
Không tách học sinh khỏi nhà trường
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie đánh giá dự thảo của Bộ đã có nhiều điều chỉnh tích cực.
Phân tích cụ thể về các hình thức kỷ luật, ông Khang cho biết số hình thức kỷ luật đã giảm từ 5 xuống ba hình thức, trong đó bỏ hình thức kỷ luật trước lớp và trước toàn trường.
“Cảnh cáo trước lớp hay toàn trường đều là bêu trước đông người, những cái đó đều không còn phù hợp. Trong thời đại hiện nay, cảnh cáo trước lớp hay trước toàn trường cũng không khác gì trước cả thế giới, tạo áp lực quá lớn cho học sinh, khiến các em khó lòng vươn lên, tiến bộ,” thầy Khang chia sẻ.
Cũng theo thầy Khang, việc bỏ hình thức kỷ luật đuổi học một tuần và một năm, thay bằng tạm dừng học tập trên lớp hai tuần là một điều chỉnh rất hợp lý. “Đuổi học là tách học sinh ra khỏi môi trường giáo dục nhưng tạm dừng học tập trên lớp hai tuần chỉ tách học sinh khỏi không gian học tập. Học sinh sẽ vẫn phải học nhưng ở không gian khác, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, nghĩa là nhà trường không buông mà vẫn với tới, giáo dục các em,” thầy Khang phân tích.
Theo thầy Khang, hình thức kỷ luật đuổi học, thậm chí đuổi học một năm trước đây là quá dài, có thể làm cho cuộc đời học sinh rẽ sang hướng khác tiêu cực hơn.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng dự thảo còn có một điểm mới đặc biệt khi quy định các hình thức kỷ luật không được áp dụng với học sinh tiểu học, dù ở mức độ nhẹ nhất là khiển trách. “Học sinh tiểu học ở độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi, là lứa tuổi trẻ em. Đối với học sinh tiểu học chỉ có khen. Thông qua khen để khích lệ học sinh, tạo động lực cho các em tiến bộ. Những lời động viên trong quá trình dạy dỗ sẽ giúp các em chỉnh sửa cử chỉ, lời nói chưa chuẩn mực. Những hình thức kỷ luật hiện hành khá nặng nề và áp dụng cả với học sinh tiểu học là không hợp lý. Bộ đã đưa ra sửa đổi kịp thời, tôi rất hoan nghênh,” thầy Khang nói.
Đánh giá cao dự thảo nhưng nhiều chuyên gia cho rằng năng lực của giáo viên trong việc giải quyết các tình huống cũng rất quan trọng. Do vậy, giáo viên cần phải được tập huấn, rèn luyện các phương pháp giáo dục tích cực mới phát huy được hiệu quả./.
Theo PHẠM MAI (Vietnam+)