Tung gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

09/01/2022 - 08:01

Để đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh vốn ưu đãi ra thị trường như: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Sacombank ACB…

Ngân hàng tăng kích cầu tín dụng nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyên Trần.

Mới đây nhất, chương trình ưu đãi tín dụng BIDV dành cho khách hàng cá nhân có tổng quy mô lên tới 200.000 tỷ đồng, lãi suất siêu linh hoạt chỉ từ 5%/năm. Gói tín dụng triển khai từ nay đến đến khi hết quy mô gói nhằm giúp khách hàng phát triển kinh doanh, vay tiêu dùng, trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Đối với gói tín dụng ngắn hạn (kỳ hạn 12 tháng trở xuống) phục vụ sản xuất kinh doanh có quy mô 100.000 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi suất chỉ từ 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ từ 5,5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Gói tín dụng ngắn hạn giúp khách hàng tiếp cận kịp thời nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. 

Việc tiếp thêm vốn giá rẻ vào thị trường trong thời điểm hiện tại hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà vực dậy và giúp khách hàng bắt nhịp với điều kiện “bình thường mới”.

Đối với gói tín dụng trung dài hạn (kỳ hạn tối thiểu 36 tháng) phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống (vay mua nhà, ô tô; vay tiêu dùng đảm bảo bằng bất động sản) có quy mô 100.000 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi suất chỉ từ 6,2%/năm và giúp giảm áp lực trả lãi trong ngắn hạn.

“Với khách hàng vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên; vay tiêu dùng, vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, lãi suất giảm chỉ còn từ 6,4%/năm trong 6 tháng đầu; khách hàng tại các địa bàn khác là từ 6,6%/năm”, đại diện BIDV cho biết.

Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt trong đời sống của khách hàng; đồng thời nhằm hạn chế tín dụng “đen”, Agribank đang dành 25.000 tỷ đồng cho vay thấu chi với lãi suất ưu đãi (tối đa 7,5%/năm) đối với khách hàng trả lương qua tài khoản tại Agribank.

Theo ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBank, ngân hàng sẽ cân đối nguồn ngân sách để tiếp tục hỗ trợ cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn với ưu đãi phù hợp. Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2021, ABBank dành 3.500 tỷ đồng cho cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động sản xuất - kinh doanh, vay mua nhà, mua ô tô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng..., với thời hạn tối thiểu 24 tháng, lãi suất từ 7,6%/năm cho 6 tháng đầu, 8,6%/năm 6 tháng tiếp theo hoặc mức 7,99%/năm trong 12 tháng đầu.

“Trước khi COVID-19 xảy ra, ngành hàng tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, quầy ăn uống… phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường mới có thể không còn phù hợp khách hàng hạn chế tiếp xúc, từ đó doanh nghiệp cần số hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo bảo nợ vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần minh bạch tài chính để ngân hàng có thể đánh giá đúng thực lực để có hỗ trợ phù hợp. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh càng rõ ràng càng khắc phục được tình hình khó khăn tạm thời hiện nay”, ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng Bản Việt cho biết.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Để giảm được lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay, trước hết các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động. Mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thực tế đã giảm mạnh khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, lãi vay khó mà giảm sâu.

“Dư địa hạ lãi suất còn song không nhiều. Chưa kể, áp lực lạm phát đang tăng lên, và nợ xấu trong hệ thống tài chính - ngân hàng cũng là cả một vấn đề rất thách thức. Tuy nhiên có thể sử dụng một số biện pháp cả gián tiếp và trực tiếp như sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở hỗ trợ  tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì lãi suất ở mức thấp, giúp TCTD phấn đấu giảm lãi suất thêm 0,5 - 1% bình quân năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023’, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tiếp tục đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, giám đốc TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay. 

Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)