Tương lai ngành du lịch hậu COVID-19 nhìn từ châu Á

12/05/2020 - 14:10

Một ngày nắng đẹp tại con phố du lịch nổi tiếng nhất ở Bangkok và bà Cletana Thangworachai đã bắt đầu mở cửa hàng bán đồ lưu niệm của mình. Nhưng bây giờ chẳng còn ai mua những sản phẩm bắt mắt tại cửa hàng của bà Cletana Thangworachai.

Các vũ công truyền thống Thái Lan đeo mặt nạn chống giọt bắn tại đền Erawan ở Bangkok. Ảnh: CNN

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc ước tính rằng du lịch quốc tế có thể giảm tới 80% trong năm 2020 so với 2019. Điều này đồng nghĩa với 100 triệu việc làm liên quan đến ngành du lịch gặp rủi ro.

Tại Thái Lan, nơi doanh thu từ du lịch chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, số du khách nước ngoài có thể giảm 65% trong năm 2020.

Nhiều người khác giống như bà Cletana đang gặp khó khăn để trang trải cuộc sống. Trước khi dịch COVID-19 ập tới, bà kiếm được 300 USD-ngày. Nhưng vào tháng 4, Thái Lan đã cấm mọi chuyến bay quốc tế và từ đây thu nhập bình quân ngày của bà chỉ còn 2 USD, đôi khi là không còn đồng nào.

Bà Cletana đã bán đồ lưu niệm hơn một thập niên, vẫn mở cửa hàng mỗi ngày, hy vọng có thể gặp may mắn với lác đác vài du khách đi ngang qua.

Vì kinh tế và cuộc sống của người dân, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã tìm biện pháp để duy trì kinh doanh du lịch. New Zealand và Australia cam kết hình thành “bong bóng du lịch” tạo điều kiện cho lữ hành giữa hai quốc gia. Trung Quốc cởi mở với du lịch nội địa. Thái Lan trong khi đó cân nhắc về các khu nghỉ dưỡng đặc biệt đóng vai trò như khu vực cách ly.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả với những sáng kiến này, có thể mất vài năm để du lịch quay trở lại mốc trước khi COVID-19 xảy ra. Và ngay cả khi điều này xảy ra thì chúng ta sẽ không bao giờ đi du lịch như trước đây nữa.

Về ngắn hạn, tương lai du lịch được đặt vào tay “bong bóng du lịch khu vực”. Australia và New Zealand cam kết về một hành lang du lịch. Tại châu Âu, Estonia, Latvia và Lithuania tuyên bố kế hoạch mở biên giới cho công dân 3 quốc gia này từ 15-5. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng đó chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi nhiều nước khác tự hình thành bong bóng du lịch.

Nhà phân tích Brendan Sobie cho biết những sắp xếp tương tự có thể diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Khi tìm kiếm đối tác tạo bong bóng du lịch khu vực, các quốc gia sẽ cân nhắc một số yếu tố. Và được ưu tiên là những quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh, có số liệu đáng tin cậy.

Ông Benjamin Iaquinto tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) bổ sung rằng bên cạnh đó là những quốc gia có mối quan hệ địa chính trị thân thiết, ví dụ như New Zealand và Australia.

Tại châu Á, câu hỏi lớn nhất sẽ liên quan đến Trung Quốc, nước có số du khách ra nước ngoài khá lớn. Nghiên cứu cho thấy du khách Trung Quốc thường gắn bó với nơi họ biết và không muốn đi quá xa. Điều này đồng nghĩa với việc Thái Lan, nơi vốn thu hút 11 triệu du khách Trung Quốc mỗi năm, có thể là một trong những nơi đón du khách Trung Quốc đầu tiên.

Theo các chuyên gia, phải mất một thời gian dài nữa trước khi du lịch vượt qua ngoài bong bóng trong khu vực. Điều này có nghĩa là một thời gian dài nữa việc du lịch từ Mỹ tới châu Á mới được kết nối lại.

Đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, cần có cân bằng về y tế và kinh tế. Trong trường hợp mở cửa du lịch ngoài bong bóng khu vực, nhiều khả năng quốc gia này không đón được lượng khách lớn.

Chú thích ảnh

Du khách đeo khẩu trang khi đến thành phố Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: EPA 

Vẫn có nhiều chiến lược du lịch khác ngoài bong bóng khu vực. Thái Lan đang cân nhắc mở một số khu vực nhất định cho du khách nước ngoài, ví dụ như đích danh một hòn đảo. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn đánh giá: “Điều này sẽ tạo lợi thế cho cả du khách và người dân địa phương, bởi nó gần như là một hình thức cách ly”.

Một hình thức khác là hộ chiếu miễn dịch, trong đó chứng minh hành khách miễn dịch với virus Corona. Trung Quốc đã thực hiện hình thức tương tự khi mọi công dân có một mã QR thay đổi màu dựa trên tình trạng sức khỏe. Họ phải công khai mã QR này khi đến nhà hàng hoặc trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, hình thức hộ chiếu miễn dịch này cũng gây tranh cãi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy người từng mắc COVID-19 có kháng thể giúp họ không tái nhiễm lần thứ hai.

Tuy nhiên, hộ chiếu miễn dịch có thể minh chứng hành khách từng được tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng phải hơn 18 tháng nữa, loại vaccine này mới có thể được sản xuất đại trà.

Bà Cletena, vốn là góa phụ và có một cậu con trai mắc bệnh phải điều trị lâu dài, cho biết: “Dịch COVID-19 sẽ khiến mọi người sợ hãi trong một thời gian dài”. Bà Cletena không hề có tiền tiết kiệm và cũng chưa có phương án B để xoay sở.

Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)