Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

21/11/2024 - 05:40

 - “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” (TNGT) là dịp để mỗi người nhìn lại nỗi đau do TNGT gây ra. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm số vụ, số người chết và người bị thương do TNGT.

Tuyên truyền an toàn giao thông, tập huấn lái xe an toàn cho học sinh

TNGT là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, gây ra mất mát to lớn về con người, tài sản, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đến mỗi gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Trước thực trạng đó, ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” trên toàn cầu. 

Tại Việt Nam, ngày 19/11/2012, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Từ năm 2013 đến nay, hoạt động tưởng niệm được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước, để cảnh báo xã hội về thảm họa do TNGT gây ra.

Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh, huyện và các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tính riêng 9 tháng của năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh thực hiện trên 10.700 ca tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT; xử lý vi phạm trên 39.700 trường hợp. 

Các đơn vị chức năng thường xuyên trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi kiểm tra phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa, kịp thời xử lý khi có vi phạm. Tuy nhiên, số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024, xảy ra 191 vụ, làm chết 108 người, bị thương 95 người. So cùng kỳ 2023, số người chết giảm 36 người, tăng 1 vụ và tăng 1 người bị thương. Những con số thống kê về TNGT như hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội về mối nguy hại do TNGT gây ra. 

Trên hành trình lưu thông từ TP. Long Xuyên đến huyện Thoại Sơn, chị N.T.T.L (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) từng nhìn thấy vụ TNGT khá nghiêm trọng. Chị N.T.T.L chia sẻ: “Chỉ là người qua đường, nhưng vụ tai nạn khiến tôi ám ảnh. TNGT không phân biệt tuổi tác, giới tính hay tầng lớp, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân. Tôi nhận thấy, mỗi người nên tự ý thức, trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Chỉ cần giảm tốc độ, tuân thủ tín hiệu giao thông, không sử dụng rượu, bia, hạn chế sử dụng điện thoại khi lái xe là được”. 

Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”, Ủy ban ATGT quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng, phải tự giác chấp hành quy định về ATGT để ngăn chặn thảm họa TNGT. Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vì sự an toàn trên mọi con đường, vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Đồng thời, mỗi người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, để xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn minh. 

Tại An Giang, Ban ATGT tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương đề ra kế hoạch tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức. Cảnh báo nguy cơ, nguyên nhân gây TNGT, hậu quả nghiêm trọng của TNGT và biện pháp phòng tránh TNGT. Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng đến xã, phường, khóm, ấp thông qua hệ thống đài truyền thanh, hướng đến đối tượng tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Ban ATGT tỉnh và cấp huyện sẽ tổ chức đoàn đến thăm, động viên nạn nhân TNGT, gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT, để chia sẻ khó khăn, mất mát. 

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung xử lý vi phạm có nguy cơ trực tiếp hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến TNGT, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, vi phạm về tốc độ, không đội nón bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Ngành chức năng sẽ xử lý trách nhiệm của người giao môtô cho học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi. 

Đồng thời, tăng cường kiểm soát tại bến đò, bến khách ngang sông, chú trọng kiểm tra việc chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên tuyến đường thủy nội địa. Tiếp tục kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, kiên quyết chấm dứt tình trạng ôtô chở hàng quá tải. Rà soát, kiến nghị xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh, những vị trí bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp tình hình thực tiễn. Tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường, ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ, xử lý nghiêm hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố..., nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh. 

MỸ LINH