Tuyển sinh Đại học 2019: Trường lớn được mùa, trường “bé” chật vật

11/08/2019 - 09:11

Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học Tốp đầu có xu hướng tăng, chất lượng đầu vào được nâng lên. Song cũng có trường phải đánh trượt thí sinh vì quá ít hồ sơ.

Từ chiều tối 8-8, các trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố điểm trúng tuyển vào các nhóm ngành, chuyên ngành năm 2019. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặt bằng điểm chuẩn của các trường đại học năm nay đều tăng nhẹ so với những năm trước. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, điều này cho thấy sự phân tầng chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học trên cả nước.

Kết thúc đợt xét tuyển lần 1, số thống kê có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên, 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

 

Nhiều ngành điểm chuẩn tăng chạm trần

Tại nhiều trường ĐH năm nay điểm trúng tuyển tăng mạnh. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường tăng từ 2-2,5 điểm so với năm trước. Trong đó, ngành khoa học máy tính lấy điểm chuẩn lên tới 27,42 điểm. Không có ngành nào của trường này có điểm trúng tuyển dưới 20 điểm.

GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cũng cho biết, có những ngành của trường tăng đến 5 điểm so với năm trước, một số ngành tăng từ 2-2,5 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn cũng tăng nhẹ hơn 2 điểm mỗi ngành so với năm 2018. Tại cơ sở Hà Nội, nhóm ngành Kinh tế-Kinh doanh-Tài chính –Kế toán và Luật, đều có điểm chuẩn trên 25,75 điểm. TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho hay, sau khi có điểm chuẩn vào từng nhóm ngành, ĐH Ngoại thương sẽ tiếp tục công bố điểm chuẩn vào từng chuyên ngành, dự báo những chuyên ngành “hot” mức điểm có thể lên tới 27 điểm.

Tương tự, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có điểm chuẩn các ngành tăng lên 2 khoảng điểm so với năm ngoái.

Năm 2018 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh tế quốc tế với 24,35 điểm; Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25 thì năm nay cả 2 ngành này đều có mức điểm chuẩn lên đến 26,15.

Hai ngành cùng có mức điểm chuẩn thấp nhất năm ngoái của trường này là Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên và môi trường (20,5 điểm) thì năm nay cũng tăng lần lượt lên 22,5 và 22,65.

Đáng chú ý, năm nay điểm chuẩn khối ngành xã hội cũng tăng lên khá cao. Ngành Đông phương học của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có điểm trúng tuyển là 28,5 điểm, ngành Đông Nam Á học cũng có điểm trúng tuyển khối C là 27 điểm, Quan hệ công chúng: 26,75 điểm khối C.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, so với năm 2018, điểm chuẩn vào các ngành của trường tăng từ 0,5 -2 điểm như dự báo ban đầu sau khi có điểm thi THPT quốc gia.

“Đặc biệt ngành Lịch sử có mức tăng cao nhất khoảng 2 điểm. Vào những ngày cuối, số lượng hồ sơ dồn vào ngành này rất cao. Mức điểm cao hay thấp cũng tùy thuộc vào may mắn của từng trường được tiếp nhận những em có điểm cao, hoặc cũng có nhiều trường hợp sinh viên học xong ra trường có việc làm, tiếp tục giới thiệu cho những em khóa sau. Có những ngành điểm rất cao, nhưng thực tế lại không tăng nhiều so với năm ngoái như ngành Đông phương học. Ngành này năm 2018 có mức điểm trúng tuyển là 27,75 điểm, năm nay tăng lên thành 28,5 điểm, thực tế chỉ tăng 0,75. Nhưng vì có rất nhiều hồ sơ điểm cao nộp vào nên đẩy mức điểm trúng tuyển lên”.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn phấn khởi cho rằng, phổ điểm thi THPTquốc gia năm nay “nhỉnh” hơn so với năm 2018, thuận lợi cho công tác xét tuyển của các trường. Nếu lượng thí sinh nhập học ổn định, trường sẽ không phải gọi thêm xét tuyển đợt 2.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) cho rằng, số lượng hồ sơ cùng mức điểm trúng tuyển cho thấy khối ngành xã hội đang có sức hút trở lại với thí sinh trong những năm gần đây. “Khi sự tự chủ của các em trong việc chọn trường, chọn ngành ngày càng được đề cao, số lượng hồ sơ đăng ký nguyện vọng cho thấy các em thích vào các ngành xã hội thật. Theo đuổi và học ngành đúng đam mê, sở thích sẽ tránh được những bi kịch như không yêu thích, học 1 ngành, làm một nghề khác, gây lãng phí cho chính các em và xã hội”.

Nhiều trường điểm thấp kịch sàn

Bên cạnh đó nhiều trường đại học địa phương lại đang chật vật với công tác tuyển sinh,  mức điểm chuẩn rất thấp chỉ từ 13-15 điểm.

Các trường ĐH thành viên của ĐH Thái Nguyên lấy mức điểm chuẩn các ngành phổ biến là 13, 14 điểm.

Chỉ một số ít ngành có mức điểm chuẩn từ 15-17 điểm. Riêng khối ngành sư phạm có điểm chuẩn từ 18-18,5 điểm tương đương với điểm sàn do Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Tương tự, tại trường ĐH Bạc Liêu, bậc Đại học điểm chuẩn là 14 điểm; bậc Cao đẳng cao nhất 18,5 điểm, thấp nhất 12 điểm.

Cụ thể, 10 ngành đào tạo Đại học cùng 14 điểm là: Công nghệ thông tin, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường.

4 ngành đào tạo Cao đẳng: Dịch vụ Thú y: 12 điểm, Việt Nam học: 12 điểm, Giáo dục mầm non: 16 điểm, Giáo dục tiểu học: 18,5 điểm.

Còn tại ĐH Đồng Nai, điểm trúng tuyển vào các ngành sư phạm phổ biến ở mức từ 15-18,5. Tuy nhiên, ngành Sư phạm Vật lý có điểm chuẩn lên đến 24,7 và ngành Sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6 điểm, không có thí sinh trúng tuyển.

Trao đổi với Vietnamnet, đại diện Trường ĐH Đồng Nai, xác nhận trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh, bởi những ngành này chỉ có 2, 3 thí sinh trúng tuyển. Do vậy trường không thể mở lớp. Việc đánh rớt để các em tìm cơ hội vào trường khác.

Đây không phải là lần đầu các trường ĐH đánh trượt thí sinh vì không đủ lượng thí sinh đăng ký. Trước đó, năm 2018, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đã phải lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm vì chỉ có duy nhất 1 thí sinh đăng ký, không đủ điều kiện mở lớp.

Theo VOV