Mặt khác, vẫn có một số trường quy định điểm sàn thấp, gây băn khoăn trong dư luận về chất lượng đào tạo.
Các trường tốp trên hạ điểm chuẩn
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra ngưỡng điểm sàn xét tuyển là 18 điểm. Đây là mức điểm được cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển thẳng. Điểm tối thiểu của mỗi môn/bài thi trong tổ hợp xét tuyển phải lớn hơn 1 điểm.
Năm 2018, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 5.500 chỉ tiêu, tăng 700 so với năm 2017. Trường tuyển sinh theo 3 phương thức là tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển kết hợp theo hồ sơ đăng ký. Điểm sàn năm nay không biến động so với năm trước, tuy nhiên, trong bối cảnh phổ điểm thi thấp chung, dự kiến điểm chuẩn vào các ngành trong trường sẽ giảm từ 1-3 điểm so với năm 2017.
Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố điểm xét tuyển vào hệ đại học chính quy của trường năm 2018. Điểm sàn nhận hồ sơ của cả hai phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia và kết hợp điểm thi với xét tuyển học bạ, đều giảm so với năm trước.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đạt từ mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do trường quy định, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển đạt 1 điểm trở xuống. Điểm sàn xét tuyển năm 2018 của Đại học Ngoại thương là 20,5 điểm (giảm khoảng 1-2 điểm so với năm 2017).
Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc tương đương tính đến thời điểm xét tuyển, có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 7,5 trở lên, hạnh kiểm từng năm từ khá trở lên.
Những thí sinh này có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,5 trở lên, hoặc TOEFL PBT 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT 79 trở lên, hoặc giải Ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.
Tổng điểm hai môn thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 15 điểm trở lên.
Với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2018, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành của trường giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, do số lượng thí sinh đạt điểm cao giảm (đặc biệt ở môn Toán, được xét là môn chính của nhiều ngành) cùng việc giảm điểm ưu tiên theo khu vực, trên cơ sở phân tích số liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo với mục đích khuyến cáo và định hướng cho thí sinh tham khảo. Dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của trường năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017 từ 3-4 điểm.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đại học chính quy năm 2018 của các khoa, trường thành viên trực thuộc. Mức điểm sàn cao nhất là 20 và thấp nhất là 15 tùy từng ngành, từng trường.
Những ngành quy định mức điểm sàn 20 điểm gồm những ngành đang "nóng" như y dược, công nghệ thông tin, khối ngành kinh tế. Những khối ngành còn lại điểm sàn ở mức 15 điểm trở lên. Riêng với khối ngành sư phạm thuộc Trường Đại học Giáo dục, mức điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Với Học viện Ngân hàng, ngưỡng sàn xét tuyển vào 8 ngành đào tạo đại học chính quy hệ đại trà của trường tại Hà Nội là 17 điểm, áp dụng với các tổ hợp xét tuyển. Điểm nhận hồ sơ của 3 ngành đào tạo đại học chính quy hệ liên kết quốc tế là 16. Tại cơ sở Phú Yên và Bắc Ninh, Học viện Ngân hàng quy định mức điểm nhận hồ sơ lần lượt là 15 và 15,5 điểm.
Học viện Tài chính cũng có mức điểm xét tuyển sử dụng kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 là 17 điểm. Năm 2018, Học viện Tài chính tổ chức xét tuyển theo ba phương thức gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông; xét tuyển căn cứ kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018.
Trường Đại học Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 15 điểm, chưa nhân hệ số. Ngưỡng điểm này áp dụng cho thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán-Ngữ văn-Ngoại ngữ hoặc Toán-Vật lý-Tiếng Anh của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Giám sát chặt chẽ các trường công bố điểm sàn thấp
Bên cạnh những trường đại học có mức điểm xét tuyển từ 15 điểm trở lên, hiện nay, một số trường đã đưa ra mức điểm xét tuyển dưới 15 điểm, thậm chí là 12-13 điểm.
Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) có 8 ngành nhận hồ sơ mức điểm 13; có 9 ngành nhận hồ sơ mức 12 điểm. Với số chỉ tiêu cao nhất là 325, thấp nhất là 30, mỗi ngành của trường đều tuyển sinh 4 tổ hợp, trong đó chủ yếu là A00 (Toán-Vật lý-Hóa học), A01 (Toán-Vật lý-Tiếng Anh), D01 (Toán-Ngữ Văn-Tiếng Anh) và D07 (Toán-Hóa học-Tiếng Anh). Năm 2017, điểm chuẩn vào tất cả các ngành của trường này là 15,5 điểm.
Theo thông báo của Trường Đại học Xây dựng miền Trung, mức điểm xét tuyển năm nay của trường với các ngành đại học chính quy như xây dựng, kiến trúc, công trình giao thông đều chỉ là 11 điểm. Với mức điểm này, thí sinh chỉ cần trung bình hơn 3 điểm một môn thi, cộng với điểm ưu tiên khu vực là có cơ hội vào đại học, với nhiều ngành nghề khá “hot” như xây dựng, kiến trúc hay môi trường đô thị.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng công bố điểm xét tuyển, nhận hồ sơ với mức từ 12 điểm dành cho 29/31 ngành đào tạo đại học chính quy. Đáng chú ý, trong số này có nhiều ngành nghề liên quan đến y, dược như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều khâu, trong đó có chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra. Dù vậy, chất lượng đầu vào vẫn là yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nhiều tới chính sách chất lượng của các trường thông qua điểm sàn mà các trường đang công bố.
Phần lớn các trường đều công bố mức điểm sàn phù hợp với mặt bằng năm nay. Tuy nhiên vẫn có một số trường đưa ra mức điểm sàn thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi với các trường để đưa ra chính sách tuyển sinh phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ nếu các trường cố tình đưa ra mức điểm đầu vào quá thấp, sau khi các trường chính thức công bố theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của trường. Nếu các điều kiện chất lượng không bảo đảm thì Bộ sẽ yêu cầu các trường phải thay đổi điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc sẽ cho giảm chỉ tiêu, dừng tuyển sinh để bảo đảm chất lượng cả hệ thống.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Lấy điểm tuyển sinh tối thiểu đạt ngưỡng điểm trung bình trở lên mới đủ điều kiện để xét tuyển. Hiện nay, phổ điểm trung bình cũng không thiếu học sinh, nhưng các trường hạ điểm tuyển sinh thấp, chất lượng đầu kém thì chất lượng đầu ra, kỹ năng, công việc cho sinh viên sau khi ra trường sẽ về đâu? Do đó, những trường lấy điểm quá thấp sẽ làm cho chính các bậc phụ huynh nghi ngờ và coi thường chất lượng đào tạo của trường đó.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ quan điểm cho rằng không nên hạ điểm chuẩn xuống mức thấp quá vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, uy tín của các trường.
Theo như phổ điểm hiện nay, những trường lấy dưới 15 điểm, chất lượng đầu vào đã bị ảnh hưởng và điểm chuẩn càng thấp thì càng bị ảnh hưởng lớn. Khi các trường hạ thấp đến mức dưới 12 điểm thì không thể chấp nhận được. Điều đó không chỉ làm giảm uy tín, thương hiệu của các trường mà chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng.
Theo VIETNAM+