“Cùng phòng ngừa Cô Vy/ Khi bước chân ra đường đeo khẩu trang/ Đừng nên đến nơi đông người/ Luôn nhớ rằng an toàn trên hai mét/ Người từ vùng Cô Vy/ Nên cách ly khi về quê hương/ Xin đừng chủ quan, thờ ơ/ Vi rút vô hình lây truyền rất nhanh nào hay/ Đừng buồn phiền hoang mang/ Xin chớ quá lo âu/ Ta quyết chiến hung thần/ Diệt trừ Cô Vy, cách ly toàn dân…” (lời bài ca cổ “Toàn dân phòng, chống Cô Vy”, tác giả Quang Chính). Thật ra, bản thân tôi khi lần đầu nghe bài hát này đã cảm nhận ca từ khá đơn giản. Rồi nghe thêm lần 2, 3 thì thuộc lời. Có lẽ chính sự mộc mạc, giản dị từ giai điệu đến lời hát đã làm người nghe “nghiện” lúc nào không hay!
Là người chia sẻ bài hát trên trang mạng xã hội facebook của mình, chị Mỹ Tiên (ngụ xã Bình Thành, Thoại Sơn) cho biết: “Lúc đầu nghe bất ngờ lắm vì không tin rằng điều này cũng có thể xảy ra. Tôi thấy thật lạ và khác biệt, giống như một cách thay đổi phương thức tuyên truyền đến người dân. Nếu giới trẻ có bài “Ghen Cô Vy” nổi đình nổi đám thời gian qua thì đối với những ai yêu thích vọng cổ, trầm tính thì đây là một lựa chọn cho họ”.
Sáng tác của tác giả Quang Chính được nhiều người đón nhận
Không riêng gì chị Tiên, khi bài vọng cổ “Toàn dân phòng, chống Cô Vy” được anh Quang Chính chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, lập tức nhận được nhiều phản ứng tích cực. Nhiều người tỏ ra thích thú và vào bình luận với sự yêu mến như: “Hay quá chú ơi!”; “ Cho em xin bản thu âm nhe anh!”; “1 bài hát đầy ý nghĩa và cảm xúc (mọi người ơi hãy chung tay phòng dịch cùng đất nước vì ngoài kia có biết bao người hy sinh thầm lặng để chúng ta có được sự an toàn)!”… Sao lại không thích khi những câu từ của lời bài hát rất cần thiết cho tình hình thực tế về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Dễ nhận thấy rằng, bài vọng cổ xoay quanh việc kêu gọi mọi người hạn chế ra đường, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời thể hiện lòng biết ơn đến y, bác sĩ, lực lượng chức năng ngày đêm làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở tuyến đầu. Tuy là nội dung tuyên truyền, cổ động nhưng được tác giả “biến tấu” vô cùng sinh động qua âm nhạc. Đó là lý do vì sao bài vọng cổ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người nghe. “…Vì cộng đồng, quê hương/ Nay đó đây tăng cường khu cách ly/ Đừng nên khiếp kinh lo rầu/ Hay hoảng loạn, than phiền, gây rối/ Cần phòng ngừa lây lan/ Chung sức ta chống dịch ai ơi…” (Toàn dân phòng, chống Cô Vy).
Đài Truyền thanh huyện Thoại Sơn quay ngoại cảnh bài “Toàn dân phòng, chống Cô Vy” - (Ảnh: Quang Chính cung cấp)
“Bài đầu tiên lấy cảm hứng từ khi tôi nhìn thấy hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được báo chí đăng tải với hình ảnh tận lực ngày đêm, quyết tâm chiến thắng “giặc Covid-19”. Cảm kích và biết ơn vị lãnh đạo lo cho dân, chỉ trong 3 ngày, tôi đã sáng tác xong bài vọng cổ mang tên “Chung tay chống dịch”.
Được bạn bè động viên, ủng hộ, tôi có động lực sáng tác thêm những bài tiếp theo với nội dung toàn dân tích cực phòng, chống dịch bệnh, những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận chống dịch... Tôi mời 2 ca sĩ hát thu âm. Ca khúc được gửi đến những người làm công tác thông tin, tuyên truyền. Đài Truyền thanh huyện Thoại Sơn có nhã ý quay thêm ngoại cảnh đăng tải trên mạng xã hội facebook, nhằm lan tỏa thông điệp và cổ vũ các lực lượng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Một người bạn của tôi còn đưa những sáng tác mới này lên kênh youtube với hình thức karaoke. Đây là cách vừa giúp mọi người giải trí lành mạnh tại nhà, vừa tuyên truyền hiệu quả về dịch bệnh Covid-19” - tác giả Quang Chính chia sẻ.
Lần lượt các bài vọng cổ tiếp theo được tác giả Quang Chính sáng tác “nhanh như chớp” với mong muốn góp sức tuyên truyền dịch bệnh Covid-19 bằng âm nhạc: Khát vọng bình yên, Xa đi Covid - Cô Vy; Toàn dân phòng, chống Cô Vy (14 ngày đêm phòng, chống dịch). Các ca khúc cùng chủ đề phòng, chống dịch bệnh nhưng có những góc nhìn, cách tiếp cận, giai điệu khác nhau.
Trong đó, nhiều ca khúc viết về các y, bác sĩ, chiến sĩ biên phòng... ở tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm quên mình giữ gìn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, có những giai điệu, lời ca truyền tải thông điệp bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội trước dịch bệnh; đồng thời kêu gọi mọi người nêu cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ các quy định, đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Những ca từ trong mỗi bài vọng cổ hầu hết đều gần gũi đã truyền tải thông điệp thời sự, truyền lửa tinh thần lạc quan. Hãy một lần nghe để cảm nhận, bạn sẽ thấy việc tuyên truyền dịch bệnh Covid-19 bằng âm nhạc có hiệu quả ra sao!
PHƯƠNG LAN