UBND tỉnh An Giang chỉ đạo thực hiện các biện pháp chuyên môn y tế theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP

11/11/2021 - 16:42

 - Ngày 11-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ban hành văn bản 1303/UBND-KGVX về việc triển khai Công văn 9472/BYT-MT, ngày 8-11-2021 của Bộ Y tế về thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” và Quyết định 4800/QĐ-BYT, ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời các biện pháp chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, ngày 20-10-2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 650/KH-UBND về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Căn cứ Công văn 9472/BYT-MT, ngày 8-11-2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐBYT, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban,  ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Kế hoạch 650/KH-UBND của UBND tỉnh, chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích UBND các xã, phường, thị trấn đánh giá cấp độ dịch đến từng khóm, ấp) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương, đặc biệt các địa bàn có cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh, tiếp tục duy trì Tổ kiểm soát tăng cường chủ động rà soát, giám sát, tổ chức xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 4800/QĐ-BYT, ngày 12-10-2021 và Công điện 1700/CĐ-BYT, ngày 25-10-2021 của Bộ Y tế, cụ thể:

2.1. Về tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2:

- Chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố);

- Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. 

2.2. Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe:

- Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác …, thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định;

- Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng trên sổ sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương;

- Những người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19: Thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương;

- Những người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Giao Sở Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định 4038/QĐ-BYT, ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch cho người dân theo Quyết định 4042/QĐ-BYT, ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế.

3. Giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, chỉ đạo các cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động):

3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, công sở, đơn vị sự nghiệp: Thủ trưởng đơn vị tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp gộp mẫu định kỳ 1 lần/tuần cho tất cả nhân sự tại đơn vị.

3.2. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tổ chức xét nghiệm định kỳ cho tất cả nhân viên y tế, người lao động tại các khoa, phòng, bộ phận có nguy cơ cao 3 - 5 ngày/lần. Đồng thời, tăng cường công tác phân luồng, sàng lọc, thực hiện tốt các tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền người bệnh, người chăm sóc người bệnh luôn thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài chính chịu trách hướng dẫn các đơn vị việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20), nguồn kinh phí mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm để thực hiện xét nghiệm được quy định tại mục 3.1 và 3.2 điểm 3 của công văn này.

3.3. Các đơn vị sản xuất - kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị: Thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV2 cho người lao động: Xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ;  xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20).

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ cấp độ dịch cụ thể của địa phương và tình hình thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài khu cụm công nghiệp chủ động quyết định tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở lao động hoạt động tại địa phương; đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các trường hợp không đảm bảo an toàn theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thì xem xét cho tạm dừng hoạt động. 

3.4. Lưu ý, dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động tại các văn bản: 2787/QĐ-BYT, ngày 5-6-2021, 6565/BYT-MT, ngày 12-8-2021, 6666/BYT-MT, ngày 16-8-2021, 8228/BYT-MT, ngày 30-9-2021 của Bộ Y tế.

THU THẢO