Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, dùng drone phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng phổ biến nhờ ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm. Đặc biệt, bảo vệ sức khỏe cho nông dân, giảm nguy cơ mắc bệnh về da, thần kinh, ngộ độc… khi phun thuốc theo phương pháp thủ công.
Bà Cao Thị Út (ngụ xã Bình Phú) canh tác hơn 8ha lúa, rất hài lòng khi thuê drone phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại. Nhờ vậy, bà rút ngắn thời gian phun thuốc trên cùng 1 đơn vị diện tích; sử dụng lượng nước ít, tránh lãng phí thuốc BVTV; giảm chi phí sản xuất, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Bên cạnh đó, lượng thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn, được phân bổ đều trên bề mặt ruộng, do đường bay của drone được lập trình sẵn, không chồng lấn lên nhau. “Rải phân, phun thuốc bằng drone khỏe hơn rất nhiều so với phương pháp thủ công. Việc phun thuốc, rải phân giúp diệt trừ tận gốc sâu bệnh, cây lúa dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Từ khi tôi sử dụng drone thì ruộng lúa của tôi rất trúng mùa” - bà Út chia sẻ.
Hiện nay, sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp là hướng đầu tư tiềm năng cho nhà nông. Nhiều hộ đầu tư thiết bị bay làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, toàn huyện Châu Phú có 37 thiết bị, trong đó 13 thiết bị “3 trong 1” (sạ lúa, rải phân và phun thuốc BVTV). Qua khảo sát của ngành nông nghiệp huyện, các thiết bị đã phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho 16.740ha của huyện, 5.280ha ngoài huyện; giá khoảng 150.000 - 160.000 đồng/ha. Riêng diện tích phục vụ rải phân còn thấp (485ha, giá 3.000 đồng/kg phân bón).
Anh Nguyễn Văn Đặng (ngụ xã Bình Phú) chia sẻ: “Trước đây, phun thuốc BVTV và rải phân thuốc thủ công, ai làm diện tích nhiều cũng ngán ngẩm. Nhưng từ khi có drone, tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều, thời gian ngắn hơn, chi phí cũng nhẹ hơn. Phun thuốc bằng drone ít tốn thuốc, nhưng lại phun xịt mạnh đến gốc. Ngoài ra, rải phân rất đều, không làm đổ ngã lúa. Đặc biệt, nông dân không phải lội ruộng như trước đây”.
Đang sở hữu 1 chiếc drone phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân trong và ngoài địa phương, anh Phạm Văn Hậu (ngụ xã Bình Phú) cho biết: “Nhu cầu nông dân thuê drone phun thuốc, rải phân ngày càng tăng, nhưng số lượng thiết bị lại quá ít. Do đó, vụ đông xuân vừa rồi, tôi quyết định mua 1 chiếc, vừa sử dụng vừa làm dịch vụ. Chỉ 1 vụ mùa, tôi đã sử dụng cho khoảng 700ha lúa. Vụ hè thu này, thiết bị hoạt động rất tốt. Hiện nay, một số nông dân khác đang đầu tư thêm drone phục vụ nhu cầu sản xuất”.
Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú Lê Hồ Minh Thiện cho biết: “Ứng dụng drone “3 trong 1” giúp nông dân giảm 50% lượng giống gieo sạ. Nếu như trước đây, bà con nông dân sử dụng phương pháp thủ công, sạ 20kg giống/công đất ruộng, thì hiện nay chỉ còn 10kg giống/công. Phân và thuốc được rải đều hơn, giảm từ 10 - 15% lượng thuốc BVTV. Đồng thời, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động (thiết bị bay có thể thay thế 20 lao động), hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân, giảm tổn thất sản lượng lúa so với phun xịt thông thường (do lúa không bị giẫm đạp)…”.
Ngoài ra, drone còn vận hành được vào ban đêm mà lao động thông thường không thể thực hiện. Do đó, drone có tiềm năng phát triển rất lớn trên 32.000ha lúa/vụ của toàn huyện. Việc triển khai drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là bước chuyển quan trọng trong số hóa ngành nông nghiệp. Bước đi này góp phần hiện thực hóa ước vọng của nông dân, nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống, xây dựng nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.
TRỌNG TÍN