Ứng phó nguy cơ cháy rừng mùa khô

01/03/2019 - 07:37

 - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 2 đến tháng 5-2019, khu vực Nam Bộ, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20-40%. Điều đó có thể gây nên tình trạng thiếu nước, hạn hán. Tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường nên nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lớn và cháy trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực rừng tràm trên địa bàn tỉnh.

Nguy cơ cháy rừng cao

Diện tích rừng và đất rừng tỉnh An Giang nằm chủ yếu trên địa bàn các huyện miền núi (Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc), đều được nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Tuy số diện tích không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ an ninh - quốc phòng biên giới.

Những khoảnh rừng vàng úa

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, do chủ động triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ngay từ đầu, nên mùa khô 2018, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy lướt dưới tán rừng, diện tích 200m2 (giảm 1 vụ, giảm 114,15ha so với năm 2017). Do được phát hiện và dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại rừng. Đây là thành tích tốt nhất trong nhiều năm qua. Chính vì thế, công tác bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô 2019 càng được chú trọng, nhất là khi điều kiện thời tiết thất thường, các vụ vi phạm sử dụng lửa trong mùa khô thường xuyên xảy ra.

Một ngày cuối tháng 2, chúng tôi theo chân Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đi kiểm tra các vùng trọng điểm dễ gây ra cháy ở huyện Tri Tôn. Thời điểm này, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh đang ở cấp cháy V (cấp cháy cực kỳ nguy hiểm). Tại khu vực Bụng Ông Địa (xã Lương Phi), khoảnh rừng tầm vông xanh ngắt hôm nào giờ đã ngả vàng, xơ xác. Nền nhiệt độ không khí thời điểm lúc 13 giờ tăng cao, nắng nóng gay gắt. Nhiều nơi, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp; lượng nước dưới các kênh lô, khoảnh đang dần khô kiệt. Vì vậy, rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, tạo thành những đám cháy lớn, gây thiệt hại nhiều mặt.

Dự báo, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy trên 7.200ha (chiếm tỷ lệ 43,02% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp), gồm: Tịnh Biên (2.912ha, như: rừng tràm Trà Sư, núi Phú Cường, Latina, Tà Lọt…), Châu Đốc (49,9ha, khu vực núi Sam), Tri Tôn (4.200ha, như: Đồi 81, vồ Cờ, Bụng Ông Địa, vườn tầm vông và cây ăn trái ven chân núi Dài, núi Trọi, núi Tượng, Tức Dụp…), Thoại Sơn (20ha, khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập).

Từ đầu mùa khô đến nay, trong tỉnh đã xảy ra 2 vụ vi phạm sử dụng lửa gây cháy lan vào rừng. Điển hình như vụ cháy 700m2 đất rừng phòng hộ tại khu vực Ô Cây Chương, nguyên nhân do người dân bất cẩn quăng tàn thuốc. Mặc dù diện tích rừng không bị thiệt hại, nhưng đã cho thấy sự bất cẩn trong sử dụng lửa đe dọa đến tài nguyên rừng. Mặt khác, lượng khách hành hương, du lịch đông hơn cùng kỳ và kéo dài đến những ngày lễ hội, như: lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), lễ hội đình Thới Sơn (Tịnh Biên)… là những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng cao.

Khẩn trương ứng phó

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trương Minh Hùng, từ ngày 1-3, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tiến hành ứng trực PCCCR hàng ngày. Trong những ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, 100% công chức, viên chức, hợp đồng có mặt tại đơn vị. Bên cạnh đó, tạm ngừng các hoạt động trong rừng, như: giải quyết chặt cây, tỉa thưa rừng, lấy thuốc nam. Hạt Kiểm lâm liên huyện chủ động trao đổi với chính quyền địa phương, Ban quản lý rừng để thông báo và hướng dẫn khách du lịch, hành hương không đi vào một số khu vực, vùng trọng điểm có diện tích rừng dễ cháy; tăng cường nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn những đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái pháp luật.

Các lực lượng chức năng kiểm tra khu vực trọng điểm cháy rừng

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tổng kết và triển khai 34/35 phương án PCCCR năm 2019; trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân, 65 xuồng, vỏ lãi, 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai; 7 máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng đồng bằng và trên 10.500 dụng cụ (thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, dao quéo, thùng thiếc, kẻng báo động…). Phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác PCCCR được bố trí theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); dự trữ nước trong 140 bồn nước phục vụ công tác PCCCR trên núi...

“Tổng diện tích vùng trọng điểm được xác định có khả năng xảy ra cháy do đơn vị quản lý là 4.274ha. Khu vực đồi núi 1.850ha, cùng với 1.724ha rừng tràm có nguy cơ cháy cao. Chúng tôi đề ra mục tiêu phấn đấu: “Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng. Nếu có xảy ra cháy, phải phát hiện và dập tắt kịp thời”. Ban Chỉ huy chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện, xã đã được kiện toàn. Công tác nắm tình hình diễn biến đám cháy được ưu tiên hàng đầu, tiến hành đồng thời với việc tổ chức dập tắt đám cháy; đảm bảo thông tin liên lạc liên tục trong quá trình chữa cháy diễn ra. Phương tiện, công trình phục vụ PCCCR được trang bị bổ sung đầy đủ tại các vùng trọng điểm. Qua kiểm tra, chất lượng phương tiện, dụng cụ được đảm bảo, vận hành tốt. Khu vực đồng bằng đã hoàn thiện khâu phát dọn, đốt cỏ trên bờ kênh, đê, sẵn sàng cho công tác chữa cháy rừng” - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn Lý Vĩnh Định thông tin.

Tịnh Biên là 1 trong 2 huyện thuộc vùng đồi núi thấp. Theo ông Chau Si Na, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, để đảm bảo tốt công tác PCCCR khi bước vào mùa cao điểm, hạt đã chủ động triển khai 10 phương án bảo vệ rừng và PCCCR năm 2019 (huyện và 9 xã); bố trí dụng cụ, phương tiện ở 20 điểm; xây dựng lịch trực PCCCR từ xã đến huyện, báo cáo định kỳ vào 15 giờ hàng ngày.

Nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân

Diện tích rừng trong tỉnh chủ yếu tập trung ở trên núi, địa hình dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước phục vụ cho chữa cháy rừng trên núi khan hiếm. Mặt khác, mùa khô trùng với thời điểm diễn ra các lễ hội lớn của tỉnh, lượng khách tham quan, khách hành hương viếng núi rất cao. Nếu họ bất cẩn hoặc thiếu ý thức trong sử dụng lửa, đốt nhang, vàng mã… sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Ông Phan Văn Kéo (sinh năm 1962, ngụ ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, Tri Tôn) chia sẻ: “Được nhà nước giao trách nhiệm chủ rừng quản lý rừng phòng hộ, hàng chục năm nay, tôi thường xuyên kiểm tra máy bơm, nguồn nước dự trữ để đảm bảo có phương tiện, dụng cụ sử dụng khi sự cố cháy xảy ra. Trách nhiệm của tôi còn phải nắm tình hình rừng, báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện bất thường. Nhận thấy thời tiết mùa khô năm nay diễn biến phức tạp, tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người cần cẩn trọng khi sử dụng lửa trong rừng. Mỗi người phải hết sức cảnh giác, phát huy trách nhiệm mới không để xảy ra cháy”.

Kiểm tra dụng cụ, bồn chứa nước dự trữ phòng cháy, chữa cháy rừng

Đây là “mùa khô đầu tiên” của Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kể từ khi đơn vị được thành lập. Đơn vị quản lý hơn 10.260ha đất rừng, gồm 9.242ha rừng phòng hộ và 1.017ha rừng đặc dụng. “Chúng tôi xây dựng lực lượng 221 người trực tiếp sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi, kể cả viên chức của ban, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hợp đồng bảo vệ rừng, lực lượng của Công ty Cổ phần Du lịch An Giang, các tổ, đội PCCCR do ban thành lập. Lực lượng được bố trí tại 106 điểm ở 4 huyện, thành phố, như: văn phòng ban, trạm quản lý rừng, chốt bảo vệ rừng, văn phòng ấp, tổ hợp tác, hợp đồng bảo vệ rừng và hộ dân thuộc các khu vực trọng điểm. Khi có thông báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về đóng cửa rừng và báo cấp cháy V, Ban Quản lý rừng thực hiện lệnh ứng trực PCCCR 24/24 giờ”- ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng thông tin.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh khẳng định: công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là nhiệm vụ của toàn dân, của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, cùng chung tay bảo vệ rừng an toàn, phòng cháy tốt và chữa cháy kịp thời. Tất cả thành viên trong ban, tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà thực hiện phương án bảo vệ rừng và PCCCR một cách hiệu quả nhất, xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi ngành, địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp ngành chức năng tuyên truyền, phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là trong cao điểm mùa khô; bố trí pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu, bảng cấm lửa xung quanh rừng nơi có nhiều người thường xuyên qua lại. Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình phải có trách nhiệm PCCCR, chống chặt phá rừng trên diện tích rừng của mình; được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phòng cháy rừng…

Với quyết tâm, tinh thần chủ động ứng phó PCCCR, kỳ vọng mùa khô năm 2019 sẽ giữ vững màu xanh của rừng núi!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG