Ứng phó với thời tiết cực đoan, dị thường thế nào?

19/11/2020 - 07:54

Phải chủ động các giải pháp ứng phó thiên tai, phòng hơn chống, chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm 4 tại chỗ.

Mưa bão từ đầu năm gây ra hơn 100 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất khiến gần 230 người chết và mất tích (Trong ảnh: Tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở đất chiều 28/10 tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam)

Càng về cuối năm, thiên tai dồn dập xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng. Riêng trong tháng 10, miền Trung đã phải hứng chịu 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, điều chưa từng lặp lại trong gần 40 năm qua.

340 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 33 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay tại Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai gồm: 13 cơn bão trên Biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn ở 49 tỉnh/thành phố; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 82 trận động đất (trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL…

Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (có nơi lượng mưa lên đến 3.000mm) gây ra vùng ngập úng sâu rất rộng với trên 212 xã, 5 tỉnh, 135 nghìn dân chịu ảnh hưởng.

Tính đến 6/11, thiên tai khiến 340 người chết, mất tích (275 người chết, 65 người mất tích) và 819 người bị thương; gần 3.300 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập; hơn 171 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; gần 50 nghìn con gia súc, hơn 3,3 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; khoảng 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,17 triệu m3… Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay tới hết năm 2020, có khả năng xuất hiện khoảng 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động không khí lạnh trên khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021. Đáng chú ý, Trung bộ phải đề phòng các đợt mưa vừa, mưa to từ nửa cuối tháng 11 đến hết tháng 12.

Lên kịch bản chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Tạm điểm lại một năm với nhiều loại hình thời tiết dị thường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, tại miền Bắc, mới đầu năm 2020 đã xuất hiện mưa đá trên diện rộng ở nhiều địa phương; cuối tháng 4 vẫn còn đợt rét dị thường, sau đó là nắng nóng kéo dài tại miền Bắc và miền Trung.

“Xu thế nhiệt độ mặt nước biển lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện như dự báo khiến mưa, bão lũ dồn dập vào cuối năm và khốc liệt hơn. Dự báo hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021. Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, có khả năng duy trì từ 7-10 ngày, kéo dài hơn ở các tỉnh vùng vùng núi phía Bắc. Các hiện tượng băng giá và sương muối cũng sẽ xảy ra liên tiếp trong các tháng chính của mùa đông 2020-2021.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia”

Còn ở Nam bộ, những tháng đầu năm đã trải qua tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục. Ngay sau đó, từ đầu tháng 10 tới nay, nước ta liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết dị thường, từ mưa bão, lũ lụt cho đến áp thấp nhiệt đới.

Hậu quả mưa lớn từ cơn bão số 5 kéo dài sang cơn bão số 6 cho đến ngày hôm qua là cơn bão số 13. Chưa bao giờ các cơn bão xảy ra dồn dập như thế trong một thời gian ngắn.

“Năm nay là một năm dị thường về thời tiết, thiên tai hết sức khắc nghiệt, tâm điểm lại rơi vào cuối năm”, ông Cường nói và nhắc lại hiện tượng: “Chưa bao giờ trong tháng 9 vừa qua, ở miền Bắc lại nở cùng một lúc 3 loại hoa bằng lăng, lộc vừng và hoa sữa. Trong khi bình thường hoa bằng lăng báo hiệu mùa xuân kết thúc sang hè; hoa lộc vừng nở khi vào đỉnh điểm mùa hè; hoa sữa nở khi cuối thu sang đông. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng hết sức dị thường”.

Qua đây, ông Cường nhấn mạnh, thiên tai đang ngày càng cực đoan, khó lường. Ngay từ bây giờ, không còn cách nào khác phải chủ động các giải pháp ứng phó, phòng hơn chống; từ nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm 4 tại chỗ.

“Trước việc biến đổi khí hậu với các hình thái cực đoan khốc liệt hơn, chúng ta phải rà soát lại các khuôn khổ pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; cơ chế chính sách; các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Hay như rà soát lại tổng thể dân cư ra sao, phương án sắp xếp bố trí thế nào để đảm bảo an toàn, kể cả cho an cư lẫn sản xuất. Phương thức sản xuất cũng phải phù hợp nhất theo tiêu chí: Trong bất kỳ hình thái thiên tai nào cũng phải đảm bảo duy trì sản xuất, giảm thiểu rủi ro ở mức cao nhất”, ông Cường nêu hàng loạt giải pháp.

Theo HOÀNG NGÂN (Báo Giao Thông)

 

Liên kết hữu ích