Theo thống kê, năm 2020, có 64% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Trong đó, mọi người đã dành 25% thời gian để “lướt” Facebook và 12% thời gian xem YouTube. Như vậy, trung bình có khoảng 24 triệu người dành 37% thời gian trong ngày (khoảng hơn 8 giờ) cho mạng xã hội. Không thể phủ nhận, mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dùng, hỗ trợ học tập, làm việc cũng như giải trí, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Nhưng không phải lúc nào họ cũng biết cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội. Chính suy nghĩ “ném đá giấu tay”, “ai biết là ai” khiến một bộ phận người dùng mạng xã hội có những hành vi thiếu văn minh, bịa đặt thông tin, nói xấu, xúc phạm, miệt thị người khác trên thế giới ảo, chẳng bận tâm hệ lụy sẽ nảy sinh ở đời sống thực.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT vừa ban hành là động thái cần thiết và đúng lúc. Tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Theo đó, quy định quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội, gồm: tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
Người dùng mạng xã hội có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ quy tắc còn khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Sau khi bộ quy tắc được ban hành, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động ra sức xuyên tạc với nhiều bài viết cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ TT&TT đã “ban hành đạo luật vi phạm nhân quyền”, “ép buộc người dân phải tuân thủ những quy tắc vi phạm quyền tự do ngôn luận chính đáng của nhân dân trên mạng xã hội theo chủ ý của bộ và lãnh đạo Đảng, nhà nước”, là điều không thể chấp nhận được. Chúng kích động người dân phản đối, yêu cầu lãnh đạo Đảng, nhà nước và Bộ TT&TT hủy bỏ quy định trên, trao trả quyền tự do ngôn luận, báo chí cho nhân dân.
Mạng xã hội đã, đang và sẽ trở thành một môi trường quan trọng trong việc giao tiếp, là diễn đàn về tin tức, kiến thức và công cụ hữu ích để phát triển đời sống con người. Một khi mạng xã hội phát triển ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, khi ấy chúng phải được đặt trong sự ràng buộc về đạo đức, pháp luật giống như cuộc sống thật. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho đội ngũ ký hợp đồng lao động với mình, cho thấy mức độ phổ biến và áp dụng từ lâu, được xã hội đồng thuận.
Tại Việt Nam, bộ quy tắc này được kỳ vọng tạo ra môi trường trong sạch cho mạng xã hội, để xóa nhòa ranh giới giữa tự do ngôn luận và những thứ “đội lốt” tự do ngôn luận; để xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh, kể cả trong đời sống thật lẫn không gian mạng.
TÂM MINH