Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT
Ngày 28/1/2022 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với mục đích xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời củng cố ý thức pháp luật cho từng người dân, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Theo đó, Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể… Năm nội dung chính của Bộ tiêu chí bao gồm: Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Trước đó, trong hai năm 2020 và 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả khả quan cho thấy, đây là cách làm hiệu quả có tính chất bền vững, lâu dài để ổn định hạnh phúc gia đình cũng như góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được kỳ vọng giúp cho các gia đình và xã hội “định vị” một cách rõ ràng hơn những nội dung cụ thể với các tiêu chí của từng mối quan hệ, là căn cứ điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ tiêu chí là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời, đó là kính trên nhường dưới, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ... Việc cụ thể hóa các tiêu chí với từng mối quan hệ là cách để nhắc nhở giúp cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn nghĩa vụ của mình về việc giữ gìn các lối sống đẹp, nhân văn, nuôi dưỡng sự tử tế trong mỗi hành vi dù nhỏ với những người thân yêu trong gia đình.
Thời gian qua, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, mà gần đây nhất là vụ bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ kế bạo hành đến chết, hay bé gái 3 tuổi bị người yêu của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu. Những vụ việc như vậy đều bắt nguồn từ sự xuống cấp đạo đức trong gia đình, cho thấy việc ban hành một bộ tiêu chí ứng xử là cần thiết.
Tuy nhiên, vấn đề áp dụng và tuân thủ quy tắc như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân, mỗi gia đình cũng như phong trào thi đua của từng địa phương. Việc đưa các nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thấm vào trong đời sống, biến thành hành vi tốt, thói quen ứng xử văn minh trong các mối quan hệ gia đình cần đến vai trò của truyền thông, các tuyên truyền viên trong các đoàn, hội từ cấp trung ương đến cơ sở, và cần phải có một quá trình liên tục.
Thực tế trong thời gian thí điểm, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong vận dụng, triển khai Bộ tiêu chí thông qua phát tờ rơi đến từng nhà, lồng ghép nội dung trong hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ cha mẹ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Một số địa phương có hình thức khen thưởng, tổng kết, biểu dương những gia đình gương mẫu, thực hiện tốt các tiêu chí ứng xử gia đình.
Hy vọng rằng, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ là cơ sở để mỗi cá nhân điều chỉnh hành vi của mình, chung tay giữ gìn hạnh phúc gia đình, nâng cao trách nhiệm và khơi gợi tình yêu thương chia sẻ. Khi mỗi gia đình trở nên tiến bộ, văn minh hạnh phúc hơn thì các hành vi không đẹp, không chuẩn mực, các hành vi bạo lực gia đình sẽ ngày càng giảm dần, và đó chính là nền tảng để xây dựng cộng đồng hạnh phúc, đất nước phồn thịnh, ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Theo QUỲNH VŨ (Nhân Dân)