Ước mong cho năm mới!

01/01/2021 - 04:48

 - Vậy là năm 2020 đã chính thức khép lại, với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chưa bao giờ, người ta đặt kỳ vọng một tương lai tươi sáng vào năm mới như lúc này: cầu mong đại dịch COVID-19 sớm được khống chế, cầu mong thiên tai - nhân tai không đè nặng lên cuộc sống và tâm trí con người. Nhưng, ước mong sẽ chỉ trở thành hiện thực, khi chúng ta thực sự hành động, thay cho lời cầu nguyện phó mặc số phận.

“Bạn ước mong gì cho năm mới?”

Mấy ngày trước, một tờ báo trong nước đã thăm dò ý kiến bạn đọc: “Chào năm 2021, bạn ước mong gì cho năm mới?”. Một số ít chọn “Mong bình an, sức khỏe, hạnh phúc dài lâu”, “Mong mọi nhà mạnh giàu, yêu thương chia sẻ”, “Kinh tế phát triển, Việt Nam trường tồn”, trong khi mong ước “Hết dịch COVID-19, cuộc sống trở lại bình thường” có tỷ lệ áp đảo. Khi đã trải qua những ngày tháng “bất bình thường”, như: dịch bệnh đe dọa tấn công ở bất kỳ đâu, thiệt hại to lớn về kinh tế, mọi sinh hoạt bị đảo lộn suốt thời gian dài… xã hội mới thấu hiểu được sự “bình thường” của ngày trước quý giá biết bao nhiêu! Mọi thứ dường như diễn ra ở một nơi nào đó xa xôi, vậy mà vẫn có sợi dây vô hình ràng buộc, ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến mình. Đến lúc này, từ “cộng đồng” được nhắc đến nhiều nhất, bởi cá nhân và cộng đồng gắn liền với nhau, hành động vì nhau.

Khuya 29-12-2020, một chuyến bay từ Nhật Bản hạ cánh ở Việt Nam, chở những người con xa xứ trở về “ăn Tết”. Nhưng trước khi về nhà, họ phải đi cách ly tập trung 14 ngày, ở một địa phương bất kỳ do nhà nước sắp xếp. Và chắc chắn, họ sẽ trải qua Tết Dương lịch 2021 ở khu cách ly xa lạ.

Tôi hỏi một số bạn trẻ được đưa về cách ly tại khu cách ly tập trung Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn): ước vọng năm mới của họ là gì? Lúc đó, đã là rạng sáng của ngày mới. Chẳng cần suy nghĩ, họ đều trả lời rằng, ước mong của họ được thực hiện rồi, đó là được trở về nhà trước năm mới.

Khi đặt chân xuống sân bay Cần Thơ, họ xem như “đã đến nhà” - “nhà” chính là quê hương đất nước. “Giờ đây chúng tôi hết lo sợ tình cảnh kẹt lại ở nước ngoài, đối mặt với thất nghiệp, dịch bệnh, không còn phải trằn trọc cả đêm, đếm từng ngày trôi qua nặng nề. Đi cách ly chỉ 14 ngày thôi mà, mình còn cả cái Tết âm lịch, còn cả đời để sống với gia đình” - họ cười thật tươi.

Việt Nam sẽ rất “an toàn” nếu ai cũng nghĩ và tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch bệnh như thế. Tiếc rằng, có những người “sợ cách ly”, sẵn sàng bỏ số tiền lớn để được “về nhà” sớm chừng nào hay chừng nấy, như câu chuyện “bệnh nhân 1440 và những người bạn”.

Thay vì tự giác trình báo, được đưa đi cách ly, chỉ tốn chưa đến 2 triệu đồng và 14 ngày của cuộc đời, họ lại làm tiêu tốn tài lực, nhân lực cực kỳ to lớn của đất nước, làm ảnh hưởng đến cả ngàn người trong cộng đồng. Họ có ước mong chính đáng, nhưng cách làm hoàn toàn sai lầm, ích kỷ. Họ chẳng quan tâm đến ước mong của người khác.

Trong khi đó, ước mong của người lính ngày đêm canh gác nơi biên giới chỉ đơn giản là được ăn bữa cơm gia đình vài hôm, được ngủ một giấc thật ngon để có thêm tinh thần làm nhiệm vụ. Nhưng ý thức kém của những người này đã làm “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh trở nên cam go, vất vả và kéo dài hơn rất nhiều!

Hành động và hành động gấp đôi, gấp ba

Đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020. Chưa kể, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mưa bão, lũ lụt xảy ra với cường độ cao, tình hình sạt lở diễn ra thường xuyên... đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuy vậy, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế của An Giang vẫn tăng trưởng. Mặc dù mức tăng thấp hơn cùng kỳ, nhưng đã là một thành công lớn trong điều kiện hiện nay. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Những điểm tích cực ấy kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021 - năm đầu tiên của kế hoạch KTXH 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 2021-2025. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo hướng tích cực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển KTXH một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiện vụ chính trị của tỉnh.

Trong một buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, sở, ngành trước kỳ họp Quốc hội, trước các lo lắng về ngân sách, về tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ: “Chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, “trạng thái bình thường mới”, nhưng cần sự nỗ lực gấp đôi, gấp 3 so với trước. Mong rằng, trước hết, lãnh đạo chủ chốt các ngành, lĩnh vực xác định ý thức trách nhiệm cao hơn, có tâm thế mới trong làm việc, linh hoạt thay đổi phương pháp, cách thức làm việc phù hợp với bối cảnh mới. Chúng ta phải tiên phong thì mới kéo cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng vượt qua khó khăn này”.

Đó là câu chuyện của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Mỗi người dân chúng ta chẳng cần làm gì quá lớn lao. Chỉ làm đúng trách nhiệm của một công dân, của công việc mình đang làm. Chỉ cần hành động đúng theo các khuyến cáo, theo quy định của nhà nước. Thế thôi, là đã góp phần biến ước mong thành hiện thật một cách sớm nhất!

GIA KHÁNH