Là một dân tộc chịu khổ đau nhiều vì chiến tranh, loạn lạc nên dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Bản Tuyên ngôn đã mở đầu bằng lời trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 với khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Để có được quyền này, dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến đấu, hy sinh gian khổ. Kể từ khi tiếng súng của thực dân phương Tây xâm lược Việt Nam, đã có biết bao người yêu nước ngã xuống. Kể từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hàng loạt những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đều bị thực dân Pháp bắt, xử tù, giết hại và tất cả họ đều đã đem thân mình đền nợ nước. Nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn trong “Tháng Tám trời mạnh thu” đã viết: “Tác phẩm càng vĩ đại thì đau khổ, hy sinh càng nhiều. Sanh một con người phải chín tháng mang nặng, một cuộc đẻ đau và ba năm bú mớm. Làm một cuộc cách mạng phải mấy thế hệ mang nặng, mấy cuộc đẻ đau và mấy mươi năm nuôi dưỡng”. Chỉ riêng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn hầu như gần hết ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ. Cách mạng Tháng Tám thành công, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính là thành quả từ hy sinh ấy.
Giành được độc lập, Nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ, vì vậy, Nhân dân Việt Nam sẽ quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, bảo vệ nền hòa bình lâu dài cho dân tộc với tuyên bố kết thúc bản tuyên ngôn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Yêu hòa bình, ghét chiến tranh nhưng Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hiên ngang đối mặt với quân thù nếu kẻ thù quay trở lại xâm lược. Tinh thần này đã được thể hiện bằng hành động cụ thể khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2: “Mùa thu rồi ngày 23/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (Nam Bộ kháng chiến, Tạ Thanh Sơn).
Vì tinh thần yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh nên khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta ở Nam Bộ và gây hấn ở miền Bắc, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều văn kiện với người Pháp hòng tìm “khe cửa hẹp” cho nền hòa bình của dân tộc. Nhưng rồi, tất cả những thiện chí từ phía Việt Nam đã không đủ đáp ứng lòng tham của thực dân Pháp, cả dân tộc Việt Nam lại phải bước vào cuộc trường chinh 9 năm dài gian khổ với tuyên bố đanh thép: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong một bức thư gửi nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân Pháp: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ - phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư”.
Vì yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh nên Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại vì hòa bình. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, Việt Nam “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Vì đường lối đối ngoại hòa bình ấy, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trên thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Từ đường lối đối ngoại hòa bình, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của cộng đồng thế giới, là nơi được chọn để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Từ đường lối hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam nhất quán nguyên tắc “4 không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
79 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, người dân Việt Nam hôm nay đang được sống trong một đất nước yên bình. Thế nhưng, trên thế giới, hàng ngày hàng giờ, máu và nước mắt vẫn đổ xuống ở nhiều nơi. Là một dân tộc đã từng gánh chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh, Việt Nam luôn mong muốn thế giới hòa bình, mong muốn các xung đột quốc tế phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
TS VŨ TRUNG KIÊN (Học viện Chính trị khu vực II)