Từ lâu cây đinh lăng được biết đến là cây thuốc nam, loại gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam. Không chỉ tốt cho sức khoẻ, đinh lăng còn được mệnh danh là "nhân sâm" của người nghèo. Chính vì thế mà không ít người tận nước lá đinh lăng để đun nước uống hàng ngày. Vậy, uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt cho sức khoẻ?
Tác dụng của cây đinh lăng
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây đinh lăng có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học là Poliscias fruticosa Harms, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.
Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.
Thành phần hóa học và dinh dưỡng: Trong củ chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đinh lăng một số hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm.
Tác dụng của lá và rễ củ đinh lăng
Lá đinh lăng: Lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa.
Rễ củ đinh lăng: Bổ đắng, thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau.
Chủ trị
Lá đinh lăng: Chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
Rễ củ đinh lăng: Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức.
Các lá non thường được dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt. Củ, thân, lá khô dùng làm thuốc.
Nước lá cây đinh lăng rất tốt nhưng không nên uống hàng ngày.
Uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt cho sức khoẻ?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSNT. Đặng Hạnh - Khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nước lá cây đinh lăng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nước lá cây đinh lăng hằng ngày thay cho nước lọc vì nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.
Theo bác sĩ Hạnh, trong lá cây đinh lăng có thành phần là saponin có thể gây mệt mỏi, nôn mửa và hoa mắt chóng mặt... Vì vậy, chỉ nên uống nước lá cây đinh lăng với lượng vừa phải, trong thời gian nhất định và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu dùng hằng ngày.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, lá đinh lăng tươi khi mới hái còn nhiều nhựa, đặc biệt là lượng sapnopin trong lá tươi rất cao, nếu nạp vào một lượng lớn có thể gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Khi phơi khô, chất sapnopin sẽ giảm đi đáng kể, nhờ đó không đem lại một số tác dụng phụ như trên.
Ngoài ra, khi phơi khô để nấu nước, pha trà, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm, hương vị nhẹ nhàng. Vì vậy, uống lá đinh lăng khô sẽ rất phù hợp với ai không thích mùi hăng, nồng của lá tươi.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt cho sức khoẻ?". Hãy uống nước lá đinh lăng đúng cách để cơ thể nhận được những tác dụng tốt nhất.
Theo VTC