“Thế giới” bánh ngọt
Nhắc đến dân tộc Chăm, mọi người sẽ nghĩ ngay đến 2 món ăn truyền thống là cà ri và cơm nị, vì được sử dụng trong những dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nói về các món bánh ngọt được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người bà, người mẹ, người chị, những thiếu nữ Chăm đảm đang.
Những món bánh này được phối trộn công phu từ nhiều nguyên liệu như: bột gạo, bột mì, đường, kem, trứng gà, dầu ăn… không chỉ ngon, đẹp mắt mà còn chứa đựng cả tấm lòng của người làm.
Gia đình ông Ap Do Rot Mal (ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang) có kinh nghiệm mấy chục năm làm bánh truyền thống của dân tộc Chăm.
Theo ông Ap Do Rot Mal, người Chăm có nhiều loại bánh truyền thống, tùy theo hình dáng từng loại bánh mà tên gọi cũng đi kèm. Theo đó, mỗi loại bánh đều có cách pha trộn nguyên liệu, mùi vị riêng nhưng nhờ được làm hoàn toàn bằng thủ công, với những vật dụng truyền thống nên giữ được trọn vẹn hương vị của ngày xưa.
Thường các loại bánh nghệ, bánh ngôi sao và bánh ổ chim được dùng trong những ngày cưới do nhà gái làm mang đến nhà trai, với ý chúc cho đôi vợ chồng trẻ luôn ngọt ngào tình cảm, gắn kết bền lâu, con cháu đầy đàn, hạnh phúc…
Ngay từ thuở 14, 15 tuổi, chị Rophyah (ấp Phủm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) đã được mẹ dạy làm bánh. Ở mỗi loại bánh đều có cách làm, hương vị và “tánh nết” riêng, người làm phải thông hiểu, bánh làm ra mới trọn được vị ngon. Chị Rophyah đã gắn bó với nghề làm bánh trên 20 năm và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Chị Rophyah cho biết, với bất kỳ cô gái Chăm nào cũng vậy, khi lớn lên đều được người bà, người mẹ dạy cho nấu ăn, làm bánh, dạy thêu thùa... Có thể nói, đây là thước đo cho sự đảm đang, khéo léo của người con gái khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng.
Bánh bò là loại bánh mà chị Rophyah hay làm bán và có 3 loại: bánh đường, bánh trứng, bánh lạt kèm nước chấm. Để có được cái bánh ngon, nhất thiết người thợ phải chọn được loại gạo sóc, ngâm qua đêm rồi đem xay làm bột, chờ bột “dậy”, bồng bột, pha nước cốt dừa với tỷ lệ vừa đủ. Chỉ có như vậy bánh sẽ giữ được mùi thơm từ gạo mới xen lẫn mùi nước cốt.
Vào Lễ hội bánh dân gian được tổ chức hàng năm ở Cần Thơ, chị Rophyah là đại diện tham dự, giới thiệu các món bánh truyền thống của bà con dân tộc Chăm An Giang đến với mọi người.
“Đặc sản tung lò mò
Theo Luật Hồi giáo Islam, vào dịp lễ Raya Haji của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, người có điều kiện thường hay làm phước, mổ thịt bò (người Chăm không ăn thịt heo, chó, mèo, rắn...) chia cho bà con trong xóm.
Trước đây, do được chia nhiều thịt, ăn không hết và không có cách bảo quản nên bà con nghĩ ra việc đem bằm thịt bò, ướp trộn gia vị rồi dồn trở lại ruột bò, treo ở gác bếp.
Đến khi khách đến chơi nhà, vừa uống nước trà trò chuyện, rồi đem phần thịt được dồn vào ruột bò trước đó nướng trên than hồng. Nướng tới đâu ăn tới đó, kèm với chút rau sống, chấm với tương phở mà ngon đến nao lòng. Từ đó, món tung lò mò ra đời.
Theo ông Hứa Hoàng Vũ (Chủ cơ sở kinh doanh lạp xưởng bò Anas, xã Châu Phong, TX. Tân Châu), nguyên liệu chủ yếu để làm tung lò mò chỉ có thịt và mỡ bò, nhưng kỹ thuật giữ được độ tươi của thịt khi sơ chế quyết định đến sự ngon hay dở của món ăn này.
Chính vì vậy, ngay tại cơ sở của ông Vũ, bò trước khi cắt cổ phải được người trong đạo Islam đọc kinh và làm thịt từ trước 4 giờ sáng. Từ đó bắt đầu làm đến khoảng 10 giờ là xong, chỉ có như vậy mới có thể giữ nguyên độ tươi của thịt mà không phải dùng bất kỳ chất bảo quản nào.
“Làm từ thịt bò tươi thì tung lò mò mới bảo đảm được hương vị, mùi bò sẽ giữ được nguyên vẹn cho đến khi thưởng thức. Nhờ giữ được cách làm, mùi vị truyền thống nên tung lò mò trở thành đặc sản của dân tộc Chăm” - ông Vũ thông tin.
Với ông Vũ, khi bắt tay vào làm tung lò mò, không chỉ để kinh doanh mà còn mong muốn quảng bá đặc sản của dân tộc, của địa phương đến với mọi người.
Sau những lần đi tiếp xúc đầu tư, hội chợ trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài thì tung lò mò đã thực sự vươn xa, được cộng đồng nhận rất nồng nhiệt.
“Nếu như bình thường, chỉ sản xuất khoảng 1 tấn/tháng thì đến dịp tết sẽ tăng lên khoảng 10 tấn/tháng mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng” - ông Vũ phấn khởi nói.
Văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm được hình thành tự nhiên trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, hội tụ những nét tinh tế riêng biệt, tạo nên bản sắc văn hóa rất đặc trưng.
ÁNH NGUYÊN