Văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số gắn với du lịch

18/11/2024 - 07:49

 - An Giang đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, đạt kết quả đáng khích lệ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch (DL), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2024.

 

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong

Phát huy giá trị truyền thống

Dân số An Giang khoảng 1,9 triệu người,  đông đồng bào dân tộc cùng cộng cư sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 DTTS, trong đó Khmer chiếm gần 4%, Chăm chiếm 0,6%, Hoa chiếm 0,27%, còn lại là các DTTS khác (Tày, Nùng, Thái...) sinh sống rải rác trên địa bàn. Mỗi DTTS sở hữu phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công và nghệ thuật trình diễn dân gian đa dạng, phong phú… góp phần tạo nên bức tranh văn hóa An Giang sinh động, đa màu sắc. Đây cũng là tiềm năng to lớn trong phát triển DL địa phương.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp, toàn tỉnh hiện có 90 di tích được xếp hạng Di sản văn hóa vật thể, trong đó đồng bào DTTS có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: Di tích chùa Ông Bắc (TP. Long Xuyên) của DTTS Hoa, thánh đường Hồi giáo Mubarak (TX. Tân Châu) của DTTS Chăm, chùa Svayton (huyện Tri Tôn) của DTTS Khmer. Tỉnh còn có 2 di tích cấp tỉnh (chùa Snaydonkum, chùa SvayTaNấp) của DTTS Khmer. Các di tích lịch sử - văn hóa được quản lý, hướng dẫn trùng tu, tôn tạo, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định Luật Di sản văn hóa. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc, kiến trúc nghệ thuật, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS.

An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể của DTTS Khmer và Chăm. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Hội Đua bò Bảy Núi, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của DTTS Khmer.

Hội Đua bò Bảy Núi

Gắn với phát triển du lịch

Ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) cho biết, ông là đời thứ 3 “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm của DTTS Chăm, bằng việc đa dạng sản phẩm, kết hợp đưa khách tham quan trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Gần đây nhất, ông được bầu giữ chức Tổ trưởng Tổ DL cộng đồng làng Chăm (12 thành viên).

“Mỗi thành viên có 1 sản phẩm phục vụ khách DL, như: Hộ ông Hứa Hoàng Vũ chuyên chế biến lạp xưởng bò; hộ ông Vách Gia chuyên chế biến món cà-ri bò… Hoạt động của Tổ hợp tác nhằm góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm DL đa dạng, tăng tính liên kết cộng đồng. Chúng tôi mong muốn mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm loại hình DL mới lạ, độc đáo ở làng Chăm Châu Phong” - ông Mohamad chia sẻ.

“23 xã (có đồng bào DTTS) được xây dựng nhà văn hóa (hoặc trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa). Xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) hình thành đội văn nghệ gia đình, hoạt động chủ yếu ca múa, Dì Kê; chùa Ô Lâm (xã An Phú, TX. Tịnh Biên) thành lập đội văn nghệ ngũ âm... Câu lạc bộ văn hóa dân gian trình diễn Dì Kê của đồng bào DTTS Khmer được thành lập tại xã Ô Lâm, với khoảng 24 nghệ nhân. Tỉnh hỗ trợ cấp trang thiết bị cho 2 nhà văn hóa, 7 đội văn nghệ truyền thống; tổ chức thi đấu đua bò thể thao truyền thống cấp tỉnh của đồng bào DTTS Khmer tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên” - ông Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

Anh Trần Thanh Hòa (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Tôi cùng nhóm bạn quyết định khám phá An Giang. Lịch trình 2 ngày 1 đêm, chúng tôi đến làng Chăm Châu Phong, làng bè đa sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, nghỉ đêm ở núi Cấm và xem đua bò. Chuyến DL này giúp tôi hiểu hơn về đời sống, tập quán sinh hoạt, ẩm thực, làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, Khmer. Đặc biệt, lần đầu xem Hội Đua bò Bảy Núi, chúng tôi vô cùng hào hứng khi tận mắt chứng kiến màn so tài hấp dẫn của các đôi bò. Lần sau, tôi sẽ đưa gia đình đi DL kết hợp xem đua bò nữa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm qua, tỉnh quan tâm tổ chức sự kiện VH-TT&DL gắn với phát huy giá trị truyền thống của đồng bào DTTS, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các cộng đồng DTTS. Ngày càng nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn, hướng đến mục tiêu phát huy lợi thế, tiềm năng các giá trị văn hóa đồng bào DTTS gắn với phát triển DL bền vững” - đồng chí Lê Văn Phước thông tin.

THU THẢO