Hiện nay, bên cạnh những bạn trẻ sống có lý tưởng, trách nhiệm, ứng xử tích cực thì vẫn có một bộ phận giới trẻ vẫn còn hành vi ứng xử thiếu văn hóa, như: Văng tục, chửi thề, hành động kém văn minh nơi công cộng; không thực hiện xếp hàng khi đến sau… Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (TP. Long Xuyên) cho biết, vào những giờ cao điểm, chị hay bắt gặp người trẻ tham gia giao thông nhưng không đi đúng làn đường. Cứ chỗ nào trống là họ lấn tới, còn phóng nhanh vượt ẩu bất chấp đèn giao thông đã bật tín hiệu màu đỏ. Những lúc đi siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hay qua phà, chị cũng hay gặp người trẻ “dù đi sau nhưng vẫn muốn đến trước”. Hay nhiều cô, cậu trẻ vào quán nước thản nhiên gác chân lên bàn, mặc những cái nhìn khó chịu của người xung quanh... “Những chuyện về văn hóa ứng xử không xa lạ gì trong bộ phận giới trẻ và đã làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ hiện nay” - chị Tuyền chia sẻ.

Văn hóa ứng xử của giới trẻ. Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Theo anh Lê Văn Hậu (huyện Châu Phú), anh đã nhiều lần bắt gặp ở chốn đông người, nhiều bạn trẻ còn vô lễ với người lớn, không biết cảm ơn khi được giúp đỡ hay xin lỗi khi mình sai. Đã vậy, không ít người trẻ đua xe, lạng lách; phá hoại, bôi bẩn các công trình công cộng… Thậm chí có trường hợp con cái chửi bới cha mẹ; không hiếm trường hợp sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn…
Còn nhiều bạn trẻ có những cách ứng xử “chưa đẹp”. Nhất là khi mạng xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ chọn cách “sống ảo”, phát ngôn gây sốc, dùng hình ảnh phản cảm để thể hiện bản thân. Chị Trần Thị Kim Yến có con gái học lớp 9 (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Trong các cuộc trò chuyện trên mạng của tuổi trẻ bây giờ, các cháu nhiều khi sử dụng những từ ngữ không đúng mực. Khi được góp ý về những từ ngữ không đúng mực trong giao tiếp, các cháu chỉ “dạ” cho qua, mà không tiếp thu, điều chỉnh”. Bạn Nguyễn Hoàng Phúc (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Hiện đại, năng động, tiếp thu cái mới rất nhanh, rất giỏi là những đặc điểm dễ nhận biết của người trẻ. Thế nhưng, thật đáng buồn khi vẫn có không ít người kém ý thức trong đời thực lẫn trên không gian mạng”. Chị Lê Ngọc Bích (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Công ty tôi có em sinh viên vào thực tập. Khi cô bé nhắn tin xin nghỉ, tôi đọc và cố gắng suy ngẫm mới hiểu được những từ ngữ viết tắt, ký tự. Đọc tin nhắn, tôi rất khó chịu và cảm thấy mình không được tôn trọng. Tôi biết cô bé không cố ý làm cho tôi bực mình, chỉ do sử dụng quá nhiều ngôn ngữ “mạng” để giao tiếp, rồi thành quen dùng trong mọi hoàn cảnh”. Cô Phạm Thị Thu Cúc (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Hiện nay ở các gia đình, cha mẹ chỉ lo làm kinh tế, nên rất ít trao đổi và quan tâm đến chuyện học hành, vui chơi của con cái. Hệ quả là một số bạn trẻ học theo thói hư tật xấu và tự do ứng xử không theo chuẩn mực nào hết”.
Giới trẻ là lực lượng trụ cột, lực lượng kế thừa của đất nước. Giao tiếp, ứng xử trong giới trẻ thể hiện nhận thức và ý thức của các bạn về đạo đức, văn hóa và truyền thống. Giao tiếp, ứng xử kém thể hiện văn hóa, đạo đức kém và ngược lại. Những thế hệ làm chủ tương lai, vận mệnh đất nước có những khiếm khuyết về văn hóa, đạo đức thì sẽ tác động rất lớn đến tương lai của gia đình, xã hội và đất nước. Để đảm bảo chuẩn mực trong văn hóa ứng xử, hạn chế bạo lực, vi phạm pháp luật ở giới trẻ, các gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em. Bởi gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, ảnh hưởng của tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại, công nghệ số, mạng xã hội... đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị mai một, đạo đức, lối sống xuống cấp.
Hơn bao giờ hết, mỗi thành viên trong gia đình cần là tấm gương, định hướng bằng hành động và lời nói, giáo dục đạo đức, lối sống, giúp các bạn trẻ hiểu được đạo lý, hòa thuận, thương yêu nhau. Ông bà, cha mẹ sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội...
THANH THANH