Mỗi chúng ta, ai cũng có quê. Quê hương là một thứ gì đó rất thiêng liêng, sâu đậm, nghĩa tình, chắc chắn vượt ra khỏi phạm trù về vị trí địa lý thông thường. Mỗi khi Tết đến xuân về, hai tiếng quê hương thường được mọi người nhắc đến nhiều hơn, với thái độ thành kính, nhớ nhung, yêu thương, trân trọng.
Tết quê. Ảnh sưu tầm
Có lẽ ở Việt Nam thì “quê” là thứ “đặc sản” quý giá mà đại đa số người dân đều mong muốn có nó trong mỗi dịp Tết. Quê là nguồn cội, là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm, là chốn để về, là nơi sum họp, gặp gỡ, đoàn tụ.
Dù quê là nơi chôn nhau, cắt rốn hay chỉ là quê gốc từ thời ông bà, cụ kỵ, nhưng cứ mỗi khi gần Tết ta thường được nghe râm ran mọi người hỏi han, trò chuyện “Tết này có về quê không”, “bao giờ về quê”, “năm nay có ăn Tết ở quê không” “Tết ở quê mới vui”…
Tôi xa quê đã tròn 30 năm, nhưng mỗi khi xuân về thì không khí Tết quê vẫn hiện lại trong tôi vẹn nguyên, nhiều cảm xúc. Dù trước đây đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với cá nhân tôi thì Tết quê mới thực sự là…Tết.
Cũng như nhiều gia đình, thời đó nhà tôi dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nên việc sắm Tết phải rất cân nhắc, dè sẻn, nhìn trước, ngó sau. Nhưng Tết vẫn cứ là Tết, vẫn phải hơn ngày thường. Bố mẹ tôi cố gắng chạy trước, lo sau sao cho có cái Tết được vui vẻ, đủ đầy, bằng hàng xóm, láng giềng, con cái có bộ quần áo mới như bao trẻ trong làng.
Người mẹ quá cố của tôi
Vẫn còn nguyên hình ảnh những ngày giáp Tết, nhà nhà, người người đều tất bật, vội vã, không gian làng quê trở nên náo nhiệt lạ thường. Người lớn thì lo mua sắm, trẻ con thì mong được đi chợ cùng bố mẹ để được mua đồ chơi, mua pháo và đặc biệt là những bộ quần áo mới khoe Tết.
Mọi nhà, dù là kiên cố hay tranh tre, vách nứa thì cũng đều sửa sang, quét dọn, mua tranh ảnh nhiều màu, bắt mắt về dán tường để che lấp đi những chỗ cũ kỹ, trầy xước, làm cho ngôi nhà trở nên mới hơn, sáng hơn, sang hơn đón năm mới.
Trước Tết vài ngày, tôi cùng bố tổng vệ sinh, lau dọn nhà cửa, bàn thờ, dán đôi câu đối đỏ, trải nệm rơm ra giữa nhà để đủ ấm đón khách đến chúc Tết. Mỗi tối, tôi cùng lũ bạn vui chơi đủ trò rồi lăn ra ngủ trên chính cái nệm rơm ấy.
Chỉ là rơm và lá chuối khô, trên trải chiếc chiếu rất đơn sơ nhưng sao mà thấy ấm cúng, mãn nguyện. Trên nệm rơm ấy chúng tôi đã có những giấc ngủ thật sâu, say sưa để mỗi sáng thức dậy chỉ mong cho ngày chóng qua, mong cho nhanh đến mùng một.
Đầu những năm 90 quê tôi mới có điện, nhưng chưa phải nhà nào cũng được dùng do còn tuỳ điều kiện. Đường làng thì chỉ những ngày giáp Tết, bóng điện treo tại các cột mới được lắp và bật sáng. Vì vậy những ngày Tết, đường làng, ngõ xóm cũng bừng sáng đón xuân, không gian làng quê dường như ấm cúng hơn hẳn.
Mẹ tôi là người đàn bà đậm chất bắc bộ, răng nhuộm đen, mái tóc dài óng ả. Cả đời mẹ lam lũ với ruộng vườn, cây trái. Hình ảnh mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó sẽ luôn và chắc chắn còn in đậm mãi trong trái tim tôi.
Quanh năm vất vả, tất bật là thế, nhưng đến những ngày cuối năm thì mẹ bận rộn hơn nhiều. Ngoài lo việc cấy cày, mẹ còn ngược xuôi lo lá dong, gạo nếp, đậu xanh để gói bánh chưng, mua thịt hoặc đụng lợn để chế biến các món ăn cho vài ngày Tết…
Thường thì vài nhà sẽ thoả thuận nhau đụng một con lợn ăn Tết. Thịt lợn bày ra nia giữa sân rồi chia nhỏ từng phần. Cơm tất niên ngày cuối năm, quê tôi gọi là cúng cơm lòng.
Cơm lòng, không thể thiếu tiết canh và nhiều món khác nữa dù so với thời nay có phần đạm bạc nhưng ngày đó là đã rất…sang, chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức như vậy. Dù bận bịu, tất bật, mỗi người mỗi việc cho ngày Tết nhưng bữa ăn tất niên cuối năm thường đầy đủ các thành viên trong gia đình. Thật sự là một ngày đoàn tụ, rất ấm cúng và hoan hỉ.
Chẳng thể quên được món giò xào ăn với hành muối, món miến mọc, canh măng xương mà trên mỗi bát có rắc vài cọng rau mùi. Chỉ nhìn màu sắc bát canh cũng đã rất bắt mắt, hấp dẫn.
Vị ngậy của nước xương, vị nồng đậm của miến măng, mùi thơm của rau gia vị, tất cả tạo nên những món ăn dù đơn giản, đậm chất quê nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng và đặc biệt là rất…Tết.
Đêm 30, mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, mọi người quây quần đông đủ quanh ổ rơm trò chuyện vui vẻ, ấm cúng, chuẩn bị pháo đón giao thừa.
Sau giao thừa, quê tôi có truyền thống mọi người ra chùa làng xin lộc. Mỗi người chuẩn bị một chút lễ nhỏ thể hiện tấm lòng thành, thắp hương khấn vái, cầu cho gia đình, người thân mình sẽ nhận được những điều tốt đẹp trong năm mới, sau đó đốt một nén hương mang về nhà lấy “đỏ”.
Mùng 1 và một vài ngày tiếp theo là những ngày đón khách đến chúc Tết và đi chúc Tết họ mạc, làng xóm. Không khí rộn rã, nhộn nhịp khắp đường làng, ngõ xóm, đến với từng nhà. Bận rộn nhưng vui vẻ, náo nhiệt, thân tình. Mọi người dù thân hay sơ nhưng những ngày Tết gặp nhau là tay bắt mặt mừng, chúc tụng những điều tốt đẹp.
Xuân này thì mẹ tôi đã về trời, xa quê mãi mãi. Mẹ tôi ra đi trong một chiều đầu thu, tiết trời oi nồng, thời khắc đó đối với tôi, không gian như lắng lại, ngừng trôi. Mẹ ra đi nhọc nhằn sau thời gian dài lâm bệnh, vất vả, lam lũ như chính cuộc đời mẹ.
Công lao, đức độ, sự dạy dỗ, quan tâm, yêu thương, chở che của mẹ dành cho tôi cũng như trăm ngàn bà mẹ khác, chắc chắn không thể nói được hết, viết ra hết, chia sẻ hết bởi quá lớn, bao la như biển trời.
Khi mẹ còn sống, dù bận bịu đến mấy thì mỗi dịp Tết, tôi và gia đình vẫn thu xếp về quê một vài ngày để được ăn Tết cùng mẹ, được đi trên những con đường làng quen thuộc, được gặp gỡ người thân, bạn bè.
Đi xa để được trở về, đã bao năm được về quê ăn Tết, nhưng mỗi lần như vậy, luôn đọng lại trong tôi cảm giác rất vui, dễ chịu, tràn ngập yêu thương, ấm cúng và đoàn tụ.
Năm nay, với mọi người thì có thể Tết vẫn thế, xuân vẫn vậy, nhưng với tôi là một sự thiếu vắng, mất mát không gì bù đắp được. Nhớ quê, nhớ Tết quê, nhớ ông bà tổ tiên thì vẫn sẽ về, nhưng Tết này đâu còn mẹ, đâu còn được nghe những lời hỏi han, nhắc nhở, đâu còn được ăn bát cơm quê bên mẹ. Chắc chắn Tết năm nay với tôi sẽ chẳng thể đủ đầy, xuân sẽ không là trọn vẹn.
Viết đến đây, bỗng nhiên sự xúc động trong tôi trào dâng, bên tai văng vẳng câu thơ “Còn mẹ còn lối đi về/Mất mẹ đến cả đường đi cũng mờ”. Đường về quê vẫn luôn rộng thênh thang, sao nay bỗng thấy hẹp dần, nhỏ lại.
Tết này mẹ đã xa quê
Rời bỏ cõi tạm, mẹ về cõi tiên
Xuân nay, Tết này và vĩnh viễn về sau, chúng con sẽ chẳng còn được cùng mẹ ăn Tết, đón xuân nữa rồi. Mẹ ơi!
Theo NGUYỄN ĐỨC LUYỆN (Vietnamnet)