Tăng kỷ lục, thêm gần 3 triệu từ cuối tháng 5
Tính tới cuối giờ sáng 21-6, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 38,82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,02 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 670 ngàn đồng ở chiều mua vào và tăng 570 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 38,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,02 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng khoảng 600 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ ngày 20-6.
Tổng cộng giá vàng trong nước đã tăng 2,65 triệu đồng kể từ cuối tháng 5-2019, tức khoảng 3 tuần.
Với mức hiện tại, giá vàng miếng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6-2013.
Giá vàng thế giới lần đầu tiên trong 6 năm qua vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce và được dự báo sẽ còn tăng mạnh nếu trụ được ở trên ngưỡng tâm lý này. Giá vàng miếng thế giới đã tăng tổng cộng 130 USD/ounce trong tròn 1 tháng qua, tương đương hơn 10%.
Vàng thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất 6 năm và kéo giá vàng trong nước lên mức cao nhất 5 năm qua sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc phiên họp lịch sử hôm 18-19/6 vừa qua trong bối cảnh nước Mỹ đang đối đầu về thương mại với Trung Quốc.
Theo Doji, mặc dù Ngân hàng Trung ương Mỹ không thay đổi lãi suất trong phiên họp vừa qua nhưng đã mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất trong tương lai, lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 2% kể từ tháng 11/2016. Mức lãi suất tâm lý quan trọng này rốt cuộc cũng bị phá vỡ.
Giá vàng bất ngờ tăng vọt lên đỉnh 5-6 năm.
Rob Carnell nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của ING tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, với kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2020, vàng đã trở nên “khá hấp dẫn.”
Trong khi đó, người sáng lập và Chủ tịch của Renaissance Macro Research Jeff DeGraaf nhận định: “Thị trường vàng đang gợi ý cho chúng ta rằng có đủ mức thanh khoản để kim loại này có thể tăng giá cao hơn. Cho dù đó là tiền thân của lạm phát hay chỉ là sự phản ánh của chi phí cơ hội thấp, thật khó để xác định được nguyên nhân là gì.”
Thế giới biến động, cộng hưởng đấy vàng bứt phá
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp rằng “hiện giờ nhiều đối tượng tham gia vào thị trường có thể đã thấy được khả năng xuất hiện của chính sách hỗ trợ đã gia tăng”.
Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh sau phiên họp của Fed. Đồng USD bị bán mạnh, trong khi các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng. Đồng bạc xanh giảm là nguyên nhân chính kéo giá vàng đi lên.
Vàng tăng còn do nhiều đồng tiền khác có thể quay đầu giảm giá trong bối cảnh một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra. Nhật Bản tiếp tục duy trì lãi suất siêu lỏng với lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức gần 0% cũng như giữ nguyên chương trình mua tài sản, trong khi châu Âu cũng phát đi tín hiệu hạ lãi suất.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết sẵn sàng giảm lãi suất và tái khởi động chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết.
Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Đông không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí theo New York Times, Tổng thống Trump đã chấp thuận tấn công quân sự Iran sau khi nước này bắn rơi máy bay không người lái Mỹ, nhưng bất ngờ rút lại quyết định ngay sáng 21-6 .
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tưởng chừng có biến chuyển nhưng vấn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Tất cả cộng hưởng khiến vàng tăng mạnh.
Vàng tăng giá còn nhờ cú bứt phá vượt một loạt các ngưỡng cản quan trọng và về mặt kỹ thuật tạo ra lực mua rất lớn đẩy giá mặt hàng kim loại này lên cao nữa.
Thị trường vàng trong nước sôi động hơn nhờ giá vàng tăng. Tuy nhiên, mức giá cao và biến động nhanh khiến tâm lý thăm dò vẫn phổ biến.
Đồng USD trên thị trường ngân hàng giảm. Trên thị trường tự do đồng bạc xanh cũng xuống mức 23.285 đồng (mua vào) và 23.315 đồng (bán ra). Ngân hàng Vietcombank hạ giá USD niêm yết 5 đồng so với cuối phiên liền trước xuống 23.240 đồng và 23.360 đồng.
Theo Vietnamnet