Vật giá tăng cao, người lao động gặp khó

20/06/2022 - 02:20

 - Trải qua hơn 2 năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, công nhân là một trong những lực lượng bị ảnh hưởng về mọi mặt đời sống. Thêm vào đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu khiến giá cả thị trường biến động, họ càng phải chật vật hơn, tìm đủ cách xoay sở để có thể thích nghi.

Vật giá tăng cao, công nhân phải cân nhắc các khoản chi tiêu hàng ngày

Xoay sở chi tiêu

Từ xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), chị Lê Thị Bé Hiền và em trai đến Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) làm công nhân. Để thuận tiện, chị Hiền thuê phòng trọ, đồng thời có mẹ ở cùng để lo cơm nước hàng ngày. Gắn bó với công ty hơn 7 năm, thu nhập hiện tại của chị Hiền trên 5,1 triệu đồng/tháng, những tháng tăng ca có thể lên 6-7 triệu đồng. “Hai chị em là lao động chính trong gia đình, sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt và chu cấp cho người thân còn dư khoảng 2 triệu đồng. Giá cả tăng nên việc gì cần “ra tiền” dù ít hay nhiều cũng phải cân nhắc kỹ” - chị Hiền chia sẻ.

2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, công việc chỉ cầm chừng, đời sống gặp khó khăn, chị Hiền rủ mọi người tận dụng nền đất cạnh nhà trọ trồng đủ loại rau, ổi, chuối để có thêm nguồn thực phẩm. Vườn rau tự phát duy trì đến nay, vẫn rất cần thiết cho những ngày "ngại" ra chợ. Nhà trọ nơi chị Hiền đang thuê ở tập trung khá đông công nhân, với 90 phòng, phần lớn là gia đình và bạn bè ở ghép. Nhiều người cho biết tại công ty đang làm, hàng tháng ngoài lương chính còn có phụ cấp chuyên cần (500.000 đồng), hỗ trợ tiền xăng (hơn 300.000 đồng), tiền thâm niên, tiền hỗ trợ lao động nữ… Tuy nhiên, so với giá cả dịch vụ, tiêu dùng bên ngoài, mọi người chỉ đủ sống và rất khó tiết kiệm.

Em Nguyễn Thị Yến Linh (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) cũng đến Khu công nghiệp Bình Hòa làm công nhân may. Khác với các anh chị đã đi làm lâu năm, thậm chí “nhảy việc” từ thành phố về tỉnh, Yến Linh mới trải nghiệm cuộc sống công nhân hơn 1 năm, lúng túng khi phải ngồi tính toán chi tiêu, tiết kiệm… “Vì ở xa nên em phải thuê trọ. Lương cơ bản 5 triệu đồng, giai đoạn đầu thấy tạm ổn. Sau khi xăng tăng giá, nhiều mặt hàng tăng theo, tháng nào gói ghém lắm mới phụ cho ba mẹ được chút đỉnh, có tháng không dư” - Linh thở dài.

Cuối tuần ở các khu nhà trọ vẫn rất đông người khi nhiều công nhân quyết định không về thăm nhà. Ngày trước, công nhân ở một số xã gần Khu công nghiệp Bình Hòa, thậm chí xa hơn, như: Xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chọn qua phà để chạy xe đi làm mỗi ngày. Đến nay, nhiều người tìm cách ở chung với bạn bè, hoặc tiết giảm các chi tiêu khác một cách tối đa để chừa lại số tiền nhỏ phòng thân.

Các khoản cần phải chi được liệt kê tỉ mỉ, từ xăng, gas, điện, ăn uống cho đến chữa bệnh, gửi về nhà, cho con, kể cả nợ nần… khiến ai nấy đều trăn trở. May mắn là trong tình hình hiện nay, các nhà trọ vẫn không tăng giá. Họ có cùng mong muốn là các chính sách hỗ trợ từ công ty, công đoàn được nhiều hơn, cải thiện hơn, ít nhất “theo kịp” với biến động giá thị trường.

Công nhân tiết kiệm bằng cách tự trồng rau gần nơi ở trọ

Chia sẻ với người lao động

Trong 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đã được nhà nước “tiếp sức” nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp… Gần đây, NLĐ biết thêm chính sách sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ… Sự quan tâm kịp thời này đã giúp họ vơi bớt nỗi lo để vượt qua khó khăn.

Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng việc làm ở các DN trong và ngoài tỉnh An Giang đã tăng trở lại. Hoạt động tái sản xuất phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Cùng với nhiều nỗ lực của nhà nước, DN đã quan tâm hơn đến những khó khăn mà NLĐ đang đối mặt. Nhiều công ty đã cải thiện chính sách trong tuyển dụng cho đến việc thêm phúc lợi, tăng phụ cấp, thu nhập chính cho công nhân tại đơn vị. Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết phối hợp với các DN cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho đoàn viên với giá ưu đãi và thực hiện xuyên suốt trong năm.

Đặc biệt, NLĐ nói chung rất phấn khởi khi biết chính thức được tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022. Theo đó, lương tối thiểu vùng của lao động làm việc trong tỉnh ở vùng II (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc) tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Lao động ở vùng III (TX. Tân Châu, huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn) tăng 240.000 đồng, từ 3,42 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Lao động vùng IV (huyện Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới, An Phú) tăng 180.000 đồng/tháng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Cùng với thông tin này, NLĐ mong muốn nhà nước có giải pháp quản lý giá cả hàng hóa, tránh tình trạng lương chưa tăng nhưng giá cả "rục rịch" tăng, khiến chính sách về lương giảm đi ý nghĩa. Đồng thời, về lâu dài, công nhân hy vọng các chế độ về tiền lương, thưởng, phụ cấp… được DN quan tâm nâng dần theo lộ trình, phù hợp với tình hình và đảm bảo mức sống cho họ trong điều kiện thực tế.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với 4.500 công nhân lao động trong cả nước ngày 12/6 vừa qua, có 9 nhóm kiến nghị, đề xuất được tổng hợp từ tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Ngoài việc tăng lương, lao động còn mong muốn có những chính sách xã hội khác (bảo hiểm, tín dụng, nhà ở, đào tạo nghề, nhà trẻ, trường học…) để thu nhập đảm bảo cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động và đảm bảo tích cực cống hiến.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích