Về Bảy Núi hành hương

22/02/2024 - 06:24

 - Là nét văn hóa tâm linh độc đáo, mùa hành hương vùng Bảy Núi đã trở thành hoạt động du lịch (DL) đặc trưng của An Giang. Du khách đến đây, bên cạnh việc thắp nén hương nguyện cầu những điều tốt lành, còn có thể thưởng thức phong cảnh hữu tình, tái tạo năng lượng cho cuộc sống.

Khi ánh nắng Xuân trải dài trên những cánh đồng lúa mênh mông, vùng Bảy Núi cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm với mùa hành hương. Những đoàn xe nối dài trên các tuyến giao thông, những địa điểm thờ tự lúc nào cũng nghi ngút khói hương, những hàng quán phục vụ ăn uống đông đúc khách… đã tạo nên sinh khí mới cho vùng đất này.

Nếu miền Nam có 2 mùa mưa - nắng trong năm, thì mùa hành hương trùng với thời điểm mùa nắng (từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch). Khi ấy, thời tiết khô ráo, thích hợp cho việc trải nghiệm của du khách, cũng như hoạt động giao thông thuận lợi hơn.

Với người dân trong tỉnh, bắt đầu đi hành hương từ trước Tết Nguyên đán, kéo dài đến đầu mùa mưa. Thông thường, du khách trong tỉnh sẽ đi thành từng đoàn vài chục người, thậm chí hàng trăm người, với những chuyến hành hương kéo dài 5 - 7 ngày, có khi lâu hơn. Đoàn người sẽ lần lượt hành hương các chùa, vồ, điện, động… nổi tiếng linh thiêng của vùng Bảy Núi.

Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) từng tham gia nhiều chuyến hành hương theo kiểu này. Bà cho biết, bản thân cảm thấy nhẹ nhàng, lòng cũng an yên khi được đến với chốn linh thiêng để gửi gắm mong ước an lành cho con cháu.

Ở cái tuổi ngoài 60, bà chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để mỗi năm lại theo chân đoàn hành hương đi khắp vùng Bảy Núi. Dù tuổi đã cao, nhưng dấu chân bà Bảy đã qua khắp nẻo đường rừng trên núi Cô Tô, lên đến đỉnh vồ Bồ Hong hùng vĩ của núi Cấm, cho đến sân tiên huyền ảo trên đỉnh núi Kéc… Với bà, mỗi chuyến đi là một niềm vui khó tả.

Với du khách phương xa, mùa hành hương chỉ bắt đầu từ Tết Nguyên đán, bởi người Việt vốn có nét văn hóa đi chùa trong những ngày đầu năm. Khi đến An Giang, khách phương xa sẽ được thỏa mãn tín ngưỡng thờ mẫu trong văn hóa dân gian với Bà Chúa xứ Núi Sam, Bà Chúa xứ Bàu Mướp hay chùa Bà Nước Hẹ…

Họ có thể tìm đến sự an lạc của tâm hồn khi viếng các ngôi chùa nổi tiếng, như: Chùa Phước Điền (chùa Hang), chùa Phước Lâm (chùa Lầu), thiền viện Đông Lai (chùa Bánh Xèo), chùa Kim Tiên, hành hương trên núi Cấm…

“Điều tôi thích nhất khi đến An Giang hành hương là những ngôi chùa ở đây đều bề thế và rất đẹp. Chùa ở An Giang đa số đều có thế dựa núi, mặt hướng xuống đồng bằng, tạo nên cảm giác thoát tục. Kiến trúc các chùa khá đa dạng, mang vẻ đẹp riêng khiến cho mình đến một lần là nhớ mãi. Tôi đến An Giang lần đầu cách đây 5 năm, rồi cứ quay trở lại vào mùa hành hương hàng năm. Nếu không đi theo đoàn, gia đình tôi cũng đi xe riêng để thắp hương các điểm chùa nổi tiếng ở vùng đất này” - ông Trần Công Gion (du khách từ TP. Hồ Chí Minh) cho hay.

Ông Gion chia sẻ, các con ông thích nhất là được đến tham quan, hành hương trên núi Cấm. Khí hậu mát mẻ, cảnh sắc hữu tình cùng không khí trang nghiêm, tịch lặng của đỉnh núi cao nhất miền Tây giúp mọi người quên đi những áp lực của cuộc sống. Đến đây, lòng người dường như bình yên theo tiếng chuông chùa Vạn Linh dội xuống mặt hồ Thủy Liêm trong veo, hay trở nên an lạc với nụ cười hỷ xả của đức Phật Di Lặc đã 20 năm tự tại giữa đất trời.

Dù rất thích đến An Giang hành hương, nhưng ông Gion vẫn băn khoăn bởi thời gian lưu lại khá ngắn. Ông cho rằng, nên có những dịch vụ vui chơi, giải trí khác để phục vụ du khách lâu hơn. Thường khi, gia đình ông sẽ quay về sau khi đến viếng hết các điểm chùa theo dự tính, hoặc sang TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) để trải nghiệm không khí biển mà hiếm khi ở lại An Giang dài ngày.

 Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Với sự quan tâm của ngành DL, việc đa dạng hóa các sản phẩm, tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến An Giang đang là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của các ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhằm tạo nên những sản phẩm mới phục vụ du khách. Bởi lẽ, du khách đến An Giang để hành hương, nhưng vẫn mong muốn có được những trải nghiệm mới mẻ về vùng đất này, họ sẵn sàng bỏ ra chi phí cho mong muốn đó. Việc của ngành DL là tạo ra dịch vụ để du khách thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của mình”.

Ông Lê Trung Hiếu đề xuất, cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có ý tưởng phát triển các dịch vụ DL mới, để thu hút du khách đến với An Giang. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ tại các khu, điểm DL để góp phần giữ chân du khách ở lại, tăng nguồn thu cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho du khách đến trải nghiệm An Giang, thay vì chỉ hành hương rồi về.

MINH QUÂN