Bánh bèo miền Tây mang một nét riêng biệt, khác với bánh bèo các vùng miền khác. Nếu bánh bèo Huế nổi tiếng với nhân tôm chấy, tóp mỡ thì bánh bèo miền Tây lại có hương vị ngọt ngào, béo hơn. Có ai từng ngồi bên chiếc bàn nhỏ ven đường, thưởng thức chiếc bánh bèo béo vị nước cốt dừa, thoảng hương lá dứa? Với tôi, đó là một trải nghiệm khó quên, một hương vị tuổi thơ thật đỗi thân quen.
Vì sao loại bánh dân gian ấy lại có tên là bánh bèo? Ngay cả những người làm bánh lâu năm nhất cũng không lý giải được. Bà Nguyễn Thị Mười (94 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) gắn bó với nghề bán bánh bèo trên 50 năm cũng chỉ cười và nghĩ, người xưa gọi sao thì mình gọi theo vậy, cũng không mấy bận tâm chuyện tên gọi. Công thức, nguyên liệu, cũng như quá trình tạo ra những chiếc bánh bèo nước cốt dừa thơm ngon lại không hề xuề xòa, đơn giản như tên gọi.
Bánh bèo của bà Mười được nhiều người yêu thích
Chiếc bánh bèo như một đóa hoa sen trắng tinh khôi, e ấp giữa màu xanh của lá chuối. Lớp bột gạo mỏng, mềm mịn như nhung, được hấp chín tới, tỏa ra một hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ. Trên bề mặt bánh, những hạt mè li ti được rắc đều như những ngôi sao nhỏ, lấp lánh. Chiếc bánh bèo nhỏ bé, nhưng lại là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ 8X, 9X. Với tôi, đó là những trưa hè bụng đói meo, còn gì vui hơn khi được mẹ mua cho vài chiếc bánh bèo để lót dạ.
Trên chiếc bàn cây đã cũ, bà Nguyễn Thị Mười bày gian hàng bánh bèo rất đơn giản. Chỉ là chiếc mâm nhôm nhỏ, đặt lên đó những chun bánh bèo được đổ từ khuôn của lon bia và 1 hủ mè rang. Có khách mua, bà Mười mới nhẹ nhàng tách từng chiếc bánh bèo khỏi lon. Mấy ngày nay, bà Mười bán đắt hơn vì được nhiều người biết đến hơn xưa. Ở cái tuổi 94, bà Mười thấy rất vui vì còn sức khỏe để cùng con làm ra những chiếc bánh quê thơm ngon cho nhiều người thưởng thức. “Có mấy cháu gần 40 tuổi, lâu lâu về quê chơi, vẫn ghé mua bánh bèo để ôn lại vị bánh quê nhà” - bà Mười chia sẻ.
Cô út An (62 tuổi, con của bà Mười) đôn hậu cho biết, cô được mẹ truyền cho nghề đổ bánh bèo. Mấy mươi năm qua, 2 mẹ con hủ hỉ, dọn hàng bánh từ 6 giờ sáng, bán đến khoảng 9 giờ là hết. Với giá 2.500 đồng/2 chiếc bánh bèo, ai cũng bất ngờ vì quá rẻ. Vì vậy, ai cũng mua ủng hộ bánh bèo của mẹ con cô Mười. “Nhìn cái bánh đơn giản nhưng công làm ra cực lắm! Tôi phải dậy sớm đổ để kịp có bánh lúc hừng đông cho nhiều người lót dạ. Muốn thế, tất cả nguyên liệu phải được chuẩn bị từ chiều hôm trước. Ví như phần bột, tôi phải xay gạo bằng tay trên cối đá và dằn qua đêm để bột mềm mịn. Đến lá dứa cũng phải vắt lấy nước sẵn để tủ lạnh, nước cốt dừa thì khi nào chuẩn bị hấp bánh mới vắt để pha vào bột tạo độ béo, thơm” - cô út An nhiệt tình nói.
Khuôn đổ lấy từ lon bia, tạo hình đẹp mắt hơn
Với tôi, bánh bèo miền Tây không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực. Mỗi chiếc bánh mang tâm huyết của người làm bánh, gửi gắm vào đó những tình cảm chân thành. Bánh bèo không chỉ đơn giản để ăn, mà còn để thưởng thức, để cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị béo ngậy của nước cốt dừa, chút hương thơm mát của lá dứa. Tất cả hòa quyện lại với nhau tạo nên một hương vị hài hòa.
“Mình bán giá rẻ, lời ít một chút. Khách ăn rồi quay lại khen ngon và tiếp tục ủng hộ là chúng tôi vui” - bà Mười giản dị nói. Cùng những loại bánh dân gian khác, bánh bèo là một phần không thể thiếu trong các lễ hội, đám tiệc ở miền Tây.
PHƯƠNG LAN