Vì sao người ta thổi tắt nến trong lễ mừng sinh nhật?

02/03/2022 - 07:40

 - Vì sao lại có màn thổi tắt những ngọn nến trên bánh sinh nhật và nghi lễ này bắt nguồn từ đâu?

 

Trong tiệc sinh nhật có bánh ga tô, màn thổi nến là một nghi lễ quan trọng. Sau khi mọi người đồng thanh hát bài chúc mừng, chủ nhân bữa tiệc sẽ dành một vài giây ước nguyện rồi thổi tắt nến (số nến trên bánh tương ứng với tuổi của người được mừng sinh nhật).

Nhiều tài liệu cho rằng  tục thổi nến trong lễ kỷ niệm sinh nhật xuất phát từ Hy Lạp vào thời cổ đại. Một trong những vị thần được sùng bái nhất thời đó là nữ thần Mặt trăng. Mỗi năm, người Hy Lạp đều kỷ niệm ngày sinh của bà. Trong lễ này, họ đặt lên bàn một cái bánh làm từ trứng, bột mỳ và mật ong, phía trên cắm nhiều cây nến mà ánh sáng của chúng tượng trưng cho ánh sáng của Mặt trăng. Đây là cách họ bày tỏ lòng sùng kính của mình đối với nữ thần.

Bạn có biết vì sao người ta thổi nến trong lễ sinh nhật?  

Dần dần, người ta tin rằng, những ngọn nến được thắp sáng tiềm ẩn sức mạnh thần bí nào đó và khi thổi tắt nến, ước nguyện sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy về sau, người Hy Lạp duy trì tục thổi nên khi tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong gia đình quý tộc, nhất là trẻ em, hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Tục này dần lan truyền và phổ biến khắp thế giới.

Một số tài liệu khác lại cho rằng thổi nến sinh nhật là truyền thống có khởi nguồn từ nước Đức vào thế kỷ 18, có ý nghĩa như một cách để bảo vệ linh hồn đứa trẻ.

Nhiều học giả cho rằng việc đốt nến trên bánh sinh nhật gắn liền với các nghi thức cổ xưa, khi người ta tin rằng lửa có thể xua đuổi tà ma. Người xưa lo lắng có những linh hồn đến thăm vào ngày sinh nhật, mọi người phải tiếp đón một cách vui vẻ và tạo ra tiếng ồn để bảo vệ người đang đón tuổi mới.

Tục thổi nến trong tiệc sinh nhật đã phổ biến khắp thế giới.

Người Thụy Sĩ cuối thế kỷ 19 coi mỗi ngọn nến tượng trưng cho một năm tuổi thọ. Họ không thổi tắt nến cùng lúc mà thổi từng chiếc cho đến khi toàn bộ nến đều tắt.

Bánh sinh nhật được ưa chuộng từ thời La Mã cổ đại, dành cho giới quý tộc và người giàu có. Đó là những chiếc bánh bông lan phẳng, hình tròn. Ở Đức, đến thế kỷ 15, các hiệu bánh mới bắt đầu làm bánh một lớp. Sau đó, bánh nhiều lớp và trang trí cầu kỳ, đẹp mắt bằng kem tươi mới xuất hiện, dành cho tầng lớp thượng lưu. Sau cách mạng công nghiệp bánh bông lan sinh nhật được sản xuất đại trà, trở thành một phần không thể thiếu của các bữa tiệc sinh nhật thời hiện đại.

Theo VTC