Đây là nhận định của ông Nguyễn Phú Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT - tại họp báo thường kỳ ngày 6/11. Đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ deepfake đang ngày càng phát triển.
"Ở phiên bản đầu tiên của deepfake, chúng ta có thể nhận ra qua ngữ điệu, cử động môi, hình ảnh, sự trùng khớp giữa con người với video, tiếng nói chưa thành thật. Nhưng hiện nay, đã có những công cụ giúp tạo video giống thật đến 70-80%, dễ nhầm lẫn khi nhìn bằng mắt thường”, ông Nguyễn Phú Lương chia sẻ.
Video deepfake không chỉ nhằm mục đích lừa đảo mà còn đưa ra thông tin sai sự thật, câu kéo tương tác từ cộng đồng mạng. Thậm chí, nhiều video còn đóng logo của kênh tin tức, khiến người xem lầm tưởng là các tin đã xác thực hoặc độc quyền.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin chia sẻ tại cuộc họp báo chiều ngày 6/11. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Khi thật – giả ngày càng khó phân biệt, ai cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Phó Giám đốc NCSC khuyến cáo người dân luôn kiểm chứng và kiểm tra lại mọi thông tin trực tuyến. Mỗi người cần hình thành thói quen thận trọng, cảnh giác và tư duy “fact check” (kiểm chứng sự thực) trên không gian mạng. Lấy thông tin từ các nguồn chính thức và đáng tin cậy như các cơ quan, đơn vị và nền tảng tin tức đáng tin cậy. Ngoài ra, không chia sẻ nếu chưa chắc chắn 100% về tính xác thực của nó.
Ông Nguyễn Phú Lương điểm tên một số công cụ của những hãng công nghệ lớn như Intel Fake Catcher hay Microsoft Video Authenticator, có thể kiểm chứng video sử dụng deepfake hay không. Các công cụ này sử dụng thuật toán AI tiên tiến để phân tích và xác định mức độ bị chỉnh sửa của tệp hình ảnh, video, âm thanh.
Ngoài ra, người dân có thể tìm kiếm các dấu hiệu bất thường để nhận biết video deepfake như: Hình ảnh trong video chuyển động giật, như một đoạn video lỗi; ánh sáng bị thay đổi liên tục từ khung hình này sang khung hình tiếp theo; thay đổi tông màu da liên tục; video có những sự nhấp nháy lạ thường; khẩu hình miệng không đồng bộ với lời nói; hiện lên các đồ vật kỹ thuật số trong hình ảnh; âm thanh, video chất lượng thấp; nhân vật nói liên tục, không chớp mắt…
Nhấn mạnh thế giới cũng đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn, chặn lọc deepfake, ông Nguyễn Phú Lương cho biết cơ quan chức năng đang cố gắng tuyên truyền, truyền thông cho người dân để thận trọng với tất cả thông tin tiếp nhận được, luôn tuân thủ nguyên tắc về an toàn thông tin.
Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cách phòng tránh video deepfake:
Trước nguy cơ cả hình ảnh và giọng nói đều có thể bị giả mạo, dù có tin tưởng vẫn phải xác minh.
Đừng vội truy cập bất kỳ đường liên kết (link) nào để đề phòng nguy cơ bị tấn công tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Hạn chế sự hiện diện trên mạng xã hội hoặc đặt tài khoản của mình ở chế độ riêng tư, chỉ chấp nhận yêu cầu từ những người tin tưởng để phòng ngừa, ngăn chặn việc dữ liệu hình ảnh, âm thanh của mình bị sao chép. Việc hạn chế quyền truy cập vào giọng nói và hình ảnh cá nhân giúp loại trừ khả năng hình ảnh bị lợi dụng.
Quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân. Tuyệt đối không nên đưa lên mạng các thông tin như số căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, ngày sinh, số điện thoại, tên của con cái...
Nếu bị làm giả deepfake hay lừa đảo trực tuyến nói chung, người dùng nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết và báo cơ quan công an tại nơi cư trú.
Theo Vietnamnet