Việc cấp bách giảm ùn tắc giao thông

12/08/2024 - 09:17

Trong cuộc làm việc với Hà Nội ngày 9/8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu một số quan điểm đáng chú ý về phát triển Thủ đô, trong đó có vấn đề giảm ùn tắc giao thông.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hanoimoi)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hanoimoi)

Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt của cả nước, cần có hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), nâng cao năng lực tài chính - ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Hà Nội cần nghiên cứu để có định hướng rõ nét về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Mục tiêu là chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống. Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả.

Trước mắt, xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là giảm ùn tắc giao thông. Phải có các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu; cấp, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng.

Với cơ chế đặc biệt, để những thành công của Hà Nội có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt với cả nước; phải tìm tòi, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên. Không thể để một số nơi ở Hà Nội mãi nhếch nhác, kẹt xe. “Giảm ùn tắc giao thông là việc cấp bách của Hà Nội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Về ùn tắc giao thông ở Thủ đô, đã được nêu lên tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2045; và nhiều văn bản khác của Trung ương, Chính phủ.

Sau Nghị quyết 15, Bộ Chính trị còn có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045; đặt ra mục tiêu đến 2035 Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn TP HCM hoàn thành hơn 200km.

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội (cũng như ở TP HCM) phản chiếu một số bất cập từ trong quy hoạch, chiến lược; hạn chế của nguồn lực đầu tư; văn hóa và ý thức giao thông. Không thể có giao thông thông suốt nếu không hạn chế được phương tiện cá nhân, không phát triển được giao thông công cộng ở nội đô... Bài học kinh nghiệm từ nhiều đô thị lớn trên thế giới đã làm là có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý, đã loại bỏ xe máy và giảm ô tô cá nhân ở nội đô, giảm được ùn tắc giao thông.

Theo Báo Pháp Luật