Thị trường lao động rộng mở
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Châu Văn Ly cho biết, các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đã được triển khai đúng quy định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương; do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực.
UBND TX. Tịnh Biên kết nối việc làm cho người lao động địa phương
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm đều giảm trên 1%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm trên 3%/năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1 - 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm. Các chủ trương, chính sách về phát triển KTXH và giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện…
Sở LĐ-TB&XH giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh phối hợp TP. Hồ Chí Minh, khu vực ĐBSCL để thông tin về thị trường lao động (14 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, 233 doanh nghiệp (DN) tham gia, nhu cầu tuyển dụng 8.808 vị trí việc làm); đổi mới hình thức, nội dung hoạt động giao dịch việc làm; kịp thời chia sẻ thông tin, kết nối trực tuyến người lao động (NLĐ) và DN. Cùng với đó, 14 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 42 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm được tổ chức tại 10 huyện, thị xã, thành phố, thu hút 397 DN, 16.340 lao động tham gia. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 38.757 NLĐ (giới thiệu việc làm thành công cho 3.367 NLĐ).
Tỉnh thường xuyên tuyên truyền chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ địa phương, DN có chức năng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo nguồn lao động tại địa phương. Ước tính năm 2023, có 520 lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nhiều nhất là Nhật Bản với 357 lao động, Đài Loan 131 lao động). Nhờ tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị được kiềm chế dưới 4%.
Khoảng 3 năm nay, anh Huỳnh Nhựt Bổn mở công ty may ở xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân), giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Những DN nhỏ như anh Bổn đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nữ, có con nhỏ, không có điều kiện đi làm ngoài tỉnh. Anh Bổn còn phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân mở lớp dạy nghề, một mặt chuẩn hóa tay nghề cho NLĐ làm việc lâu dài, mặt khác đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng ở một số xã lân cận…
Việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Là địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer, huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bà con phát triển sinh kế. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, đầu giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện có 3.586 hộ nghèo, chiếm 10,7% tổng số hộ của huyện; 3.411 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,2%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023, số hộ nghèo của huyện còn 2.900 hộ, giảm 2,2% so với đầu kỳ; trong đó hộ nghèo DTTS khoảng 18,8%; hộ cận nghèo của huyện là 3.780 hộ, tỷ lệ 11,3%. Huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41,8%. Giai đoạn 2021 - 2023, đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho 14.285 lượt NLĐ, tư vấn 36 người xuất khẩu lao động…
Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá thông tin: “UBND thị xã thực hiện các tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới). Trong đó, có tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo nền tảng vững chắc để bà con DTTS Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà con còn được vay vốn, tiếp cận thông tin thị trường lao động; được liên kết giới thiệu làm việc ở ngoài nước”.
Cùng với đó, công tác vận động của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã góp phần định hướng thanh niên tham gia xuất khẩu lao động để phát triển tương lai. Thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng là mức lương lý tưởng, đủ sức hút để thanh niên DTTS sẵn sàng tham gia xuất khẩu lao động. Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết: “Địa phương tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm năm 2023 với 32 DN, trường nghề tham gia; thu hút trên 1.000 lao động, học sinh, sinh viên tìm hiểu nhu cầu nghề nghiệp. Kết quả, 77 người đăng ký phỏng vấn xuất khẩu lao động, 221 học sinh đăng ký học nghề, 346 người đăng ký tìm việc tại DN…”.
Tại xã An Cư (TX. Tịnh Biên), Cơ sở may Quang Long dù chỉ mới hình thành, nhưng được nhiều NLĐ tìm đến. “Thấy NLĐ thất nghiệp trở về quê sau dịch COVID-19, muốn làm điều gì đó hỗ trợ, vợ chồng tôi quyết định thành lập cơ sở may, đầu tư máy móc, nhà xưởng và tuyển dụng lao động. Vì thiếu kinh nghiệm, nên tôi thực hiện từng bước, đi khắp nơi tìm đối tác để nhận đơn hàng về may gia công” - ông Lê Văn Lanh (chủ Cơ sở may Quang Long) chia sẻ.
Đến thăm cơ sở này, chúng tôi thấy được những nụ cười của NLĐ. Họ rất phấn khởi khi có nơi làm việc, thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nếu tay nghề tốt, thu nhập sẽ cao hơn. Chị Neáng Chanh Tha vui vẻ: “Lúc trước, tôi lên tỉnh Bình Dương làm công nhân, thu nhập cao hơn, nhưng phải lo quá nhiều chi phí. Tiết kiệm lắm mới dư chút tiền gửi về quê. Bây giờ làm ở cơ sở này, lương khá, tôi còn được ở gần nhà, lo cho gia đình. Chỉ mong cơ sở có thêm nhiều đơn hàng, để NLĐ làm việc ổn định”.
Ông Lanh đang nỗ lực kết nối đối tác, tìm kiếm đơn hàng với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, tăng nhu cầu việc làm, cải thiện thu nhập cho NLĐ, nhất là đồng bào DTTS Khmer. “Tôi đang cố gắng nhận đơn hàng nhiều nhất trong khả năng, nhằm phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Khi có nhiều đơn hàng, đời sống NLĐ được cải thiện, đón Tết ấm cúng, tươm tất hơn. Nếu số lượng công nhân đông, tôi sẽ đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng” - ông Lanh bày tỏ.
Xu hướng dịch chuyển lao động
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong tháng 10/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.899 người, tăng 1,6% so tháng 9/2023; có 2.317 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 33,5% so tháng 9/2023. Trên 77% lao động không có bằng cấp, chứng chỉ, tập trung ngành công nghiệp chế biến; làm việc ở DN tư nhân, DN nước ngoài… Một số DN lớn trong ngành dệt may, da giày giảm đơn hàng, hàng hóa không xuất đi được, buộc phải cắt giảm lao động.
Cơ sở may Quang Long tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương
Nhiều biến động trên thế giới về kinh tế, thị trường, sức mua, nhu cầu của khách hàng thay đổi… xuất hiện. Để giải quyết bài toán sản xuất - kinh doanh, duy trì ổn định lâu dài, DN đang có sự dịch chuyển trong sử dụng lao động. Ngành nghề chiếm ưu thế trong thời gian tới sẽ là lĩnh vực hoạt động thương mại - dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng… Đặc biệt, DN FDI, cần được cung ứng nguồn lao động tay nghề tốt, chuyên môn giỏi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, đào tạo mới hoặc đào tạo lại… Nhất là, sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, nhiều NLĐ có xu hướng dịch chuyển về nông thôn. Họ mong muốn gần gũi gia đình, hoặc ở nông thôn hiện có nhiều công việc dịch vụ, DN nhỏ khá phù hợp. Đặc biệt, với NLĐ lớn tuổi, năng suất làm việc không còn đủ cạnh tranh với nhóm 20 - 35 tuổi, thì vùng nông thôn hoặc các việc làm giản đơn là xu hướng được nhiều người nhắm đến.
Nguồn nhân lực không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm tỷ trọng đa số, trong khi đó máy móc, công nghệ ngày càng đổi mới, đòi hỏi phải có đội ngũ lao động tay nghề cao mới đáp ứng. Vì vậy, lao động thường có xu hướng dịch chuyển sang công việc dịch vụ và ổn định hơn.
Giải pháp từ tăng cường chính sách
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang Hồ Hoàng Tuấn cho biết, đơn vị được Sở LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ triển khai các nội dung hỗ trợ việc làm bền vững tiểu dự án 3 (Dự án 4) thuộc Chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Các hoạt động gồm: Hỗ trợ giao dịch việc làm, thu thập thông tin “Việc tìm người - người tìm việc”, thu thập phân tích dự báo thị trường lao động, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư và hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Tuy nhiên, thị trường lao động trong tỉnh phát triển chưa đủ mạnh để tạo nhiều việc làm bền vững. Mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các ngành nghề thường xuyên tiếp diễn; nguồn nhân lực chất lượng chưa cao. Công tác dạy nghề cho lao động vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn thiên về lao động phổ thông, kém tay nghề chuyên môn, trình độ chưa đáp ứng sự phát triển của công nghiệp, máy móc hiện đại.
Theo UBND tỉnh, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian tới, An Giang tập trung đầu tư trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS. Lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo đặc thù với dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện nghèo.
Ngân sách Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp tình hình thực tế và tăng cường nguồn huy động.
|
HỮU HUYNH - MỸ HẠNH - THANH TIẾN