Những cảnh báo đáng lo
Tại “Hội nghị Diên Hồng ĐBSCL” cuối tháng 9-2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc chủ trì, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng của ĐBSCL được các nhà khoa học, nhà quản lý đặc biệt quan tâm. GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về BĐKH, cho rằng, nếu kịch bản nước biển dâng 1m diễn ra vào năm 2100, khu vực ĐBSCL sẽ mất đi gần 40% diện tích.
Kịch bản có thể còn xấu hơn bởi theo báo cáo vào cuối năm 2016 của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), đến năm 2100, mực nước biển trung bình toàn cầu tăng ít nhất 0,3m, cao nhất 2,5m (cao hơn dự báo trước đó). Còn theo mô hình nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, mực nước biển của ĐBSCL sẽ dâng từ 55-75cm và phải cộng thêm độ lún đất, độ dâng của thủy triều và sóng biển dâng trong trường hợp có bão. Như vậy, với tốc độ sụt, lún nhanh của ĐBSCL như hiện nay, dự báo 100 năm sau, tổng cộng nước biển có thể dâng đến 2,5m, nhấn chìm phần lớn diện tích của vùng đất “Chín Rồng”.
Nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế cho thấy, khu vực ĐBSCL (Việt Nam), đồng bằng sông Nile (Bắc Phi) và đồng bằng Ganges (Bangladesh) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng. Trong đó, ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khuynh hướng bất lợi
Lịch sử hình thành của ĐBSCL chứng kiến những lần chìm nổi trong nước biển. Khoảng 6.000-8.000 năm trước, trái đất bước vào đợt tăng nhiệt độ mạnh khiến băng tan chảy, nước biển dâng cao, vùng ĐBSCL nằm sâu dưới mực nước biển. Khoảng 5.000 năm trước, trái đất đi vào chu kỳ băng hà mới. Nhiệt độ xuống thấp, nước đóng băng nhiều hơn làm nước biển cũng lùi dần. Thời gian này, có một biến động địa chất làm cho sông Mekong trước đây chảy theo sông Hồng ra biển, nay hướng về phương Nam hình thành biển Hồ và chảy ra biển Đông. Phù sa của Mekong kết hợp hiện tượng biển lùi bắt đầu tạo ra ĐBSCL. Đến cuối thế kỷ XVII, nhiệt độ trung bình của trái đất thấp hơn nhiệt độ chuẩn khoảng 0,6oC (ghi nhận năm 1670), tạo điều kiện cho ĐBSCL “nổi” trên mặt biển gần giống như ngày nay.
Qua lịch sử hình thành cho thấy, có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành của ĐBSCL là nhiệt độ tăng hay giảm của trái đất (gây hậu quả biển tiến hay lùi) và sự bồi đắp phù sa. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này đều diễn biến theo hướng bất lợi. Với quyết định xây hàng loạt thủy điện của Trung Quốc và Lào, hàng trăm triệu tấn phù sa của sông Mekong không còn chảy về bồi đắp ĐBSCL hàng năm. Trong khi đó, hiện nay, thế giới vẫn thải ra gần 30 tỷ tấn khí nhà kính/năm. Từ tác động này, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 2oC trong 50 năm tới so với nhiệt độ chuẩn, khiến tốc độ băng tan, nước biển dâng nhanh hơn. Những tác động bất lợi về phù sa, nước biển dâng và sụt, lún đang vẽ ra viễn cảnh ĐBSCL có thể lại “chìm” vào nước biển như 6.000 năm trước.
Thích ứng để tồn tại
Dĩ nhiên, kịch bản xấu nhất cho ĐBSCL chỉ diễn ra nếu ý thức con người không thay đổi, vẫn đối xử “tệ” với thiên nhiên theo cách của họ. Theo PGS.TS Trần Hồng Thái (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường), lịch sử hình thành của ĐBSCL chỉ ra rằng, phải ứng phó hài hòa với thiên nhiên nếu muốn tồn tại.
Theo các nhà nghiên cứu, trong các giải pháp thích ứng với ĐBSCL thì Chương trình “đồng bằng thích ứng” mà Chính phủ xây dựng khá phù hợp, bởi chương trình có quy mô toàn vùng, liên ngành, dài hạn đến năm 2100 và xa hơn. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả, cần xem xét việc hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, thống nhất của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong và các tổ chức quốc tế.
Chương trình “đồng bằng thích ứng” tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hướng đến các mục tiêu thích ứng phù hợp. Giải pháp hàng đầu là cung cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất của nền kinh tế hơn 17 triệu dân. Từ đó, siết chặt quy định, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm. Động thái này cùng với đầu tư xây dựng hệ thống công trình trị thủy hiệu quả và lâu dài, bổ cập nguồn nước cho mạch nước ngầm sẽ hạn chế được tình trạng sụt, lún đất, sạt lở bờ sông. Trong quá trình công nghiệp hóa ở ĐBSCL, cần ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp phục vụ cuộc sống xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước. Đối với lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, khuyến khích chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng giá trị nông sản, hạn chế ảnh hưởng tài nguyên đất và nguồn nước.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, cần thiết xây dựng luật bảo tồn phát triển ĐBSCL theo hướng bảo vệ sinh mạng và nâng cao cuộc sống con người là chính, kèm theo yêu cầu thân thiện môi trường và sinh thái địa phương. Trong đó, xử lý nghiêm các hành vi gây tổn hại thiên nhiên, làm thay đổi hệ sinh thái như: đánh bắt thủy sản trái quy định, sử dụng ngư cụ cấm, mang tính hủy diệt; khai thác khoáng sản, tài nguyên đất, mạch nước ngầm trái phép; gây ô nhiễm môi trường; tác động làm thay đổi dòng chảy nguy hiểm; xây dựng công trình, nhà cửa làm tổn hại bờ đê, dòng sông… “Đối với tình trạng nước biển dâng, thiếu hụt phù sa, bản thân người dân và chính quyền ĐBSCL khó thay đổi được. Tuy nhiên, họ có thể giảm thiểu bớt nguy cơ bằng cách tuân thủ luật pháp, hướng đến cuộc sống xanh, không tác động thô bạo vào thiên nhiên. Ở một số nước trên thế giới, dù nơi ở có thấp hơn mực nước biển nhưng vẫn phát triển được nhờ các công trình trị thủy thông minh, điển hình như Hà Lan. Dù nước biển có dâng cao hơn ĐBSCL nhưng nếu đầu tư các giải pháp công trình phù hợp, thay đổi ý thức sống thân thiện với thiên nhiên thì đây vẫn là nơi đáng sống lâu dài” - GS Trần Thục nhấn mạnh.
Về lâu dài, cần quy hoạch một không gian sống hài hòa không chỉ cho cư dân ĐBSCL, mà còn cho các loài động thực vật, sinh vật hoang dã bản địa. Qua đó, hấp dẫn khách du lịch đến với vùng sinh thái xanh, sạch, đẹp, chan hòa với thiên nhiên.
|
XUÂN LỘC