Việt Nam đạt 100 triệu dân: 3 cơ hội phát triển bứt tốc!

11/07/2023 - 08:01

Dân số Việt Nam đạt 100 triệu là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam đã lọt vào “Câu lạc bộ 15 nước đông dân nhất thế giới”, trở thành cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc.

Chăm sóc trẻ sơ sinh.

Với 100 triệu dân, bên cạnh những thách thức, như: Già hóa dân số nhanh; mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng; chất lượng dân số chưa cao (năm 2021 xếp thứ 115 trong tổng số 193 nước so sánh)... dân số Việt Nam cũng có 3 đặc điểm nổi bật mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Một là, quy mô dân số lớn khi có mức thu nhập trung bình và tăng nhanh, Việt Nam trở thành thị trường đáng chú ý.

Đạt 100 triệu dân, khi đất nước đã gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình và tăng nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ tiêu này của Việt Nam sau 30 năm đã tăng hơn 33 lần (năm 1991, chỉ có 110 USD/người, năm 2021 là 3.590 USD), sức mua theo đó cũng tăng lên.

Quy mô dân số lớn, sức mua tăng nhanh đưa Việt Nam trở thành một thị trường khá lớn, đáng được chú ý. Ngày nay, mỗi năm, chỉ cần cung cấp cho mỗi người Việt Nam 10 USD sản phẩm hay dịch vụ nào đó, đã có thể thu về cả tỷ USD.

Do vậy, bên cạnh việc mở rộng thị trường ra thế giới, Việt Nam có cả điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường trong nước, tăng khả năng chống chọi trước những biến động thất thường của thị trường thế giới.

Hai là, Việt Nam đạt 100 triệu dân trong thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng”, dồi dào lao động

Dân số được gọi là có “cơ cấu dân số vàng” khi tỷ lệ những người từ 15 tuổi đến 64 tuổi (những người có thể có khả năng lao động) chiếm 66% trở lên trong tổng dân số.

Đây là cơ cấu rất hiếm gặp (quý và hiếm như vàng), vì nhiều nước mức sinh cao, trẻ em nhiều hoặc những nước dân số già, nhiều người cao tuổi sẽ không có cơ cấu này. Năm 1979, tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi ở nước ta chỉ có 52,7%, năm nay tỷ lệ này là 67,5%.

Chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2023 là: Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta.

Vì thế, nếu cùng 100 triệu dân, năm 1979, Việt Nam chỉ có 52,7 triệu người có thể có khả năng lao động nhưng năm nay có tới 67,5 triệu tăng tới gần 15 triệu người. Đây là dư lợi lớn về lao động do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có nền kinh tế “thần kỳ” trong thời kỳ “cơ cấu dân số “vàng”.

Nhưng “cơ cấu dân số vàng” cũng chỉ mang lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.

Nhờ 40 năm đổi mới, kinh tế, y tế phát triển nên sức khỏe người dân tốt hơn. Năm 2021, tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 74, của thế giới là 73. Vì thế, nói chung, tuyệt đại bộ phận những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 có khả năng làm việc, ngay cả người cao tuổi vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn trong lực lực lượng lao động (ở nông thôn gần 11%, thành thị trên 6%).

Mặt khác, cũng nhờ đổi mới, thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, dân số đông, mật độ cao, thị trường lớn và lao động dồi dào,… hấp dẫn đầu tư cả khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư của nước ngoài.

Riêng đầu tư trực tiếp của nước ngoài, 10 năm qua (2012-2021) có tổng số vốn đăng ký gần 294 tỷ USD, đã thực hiện hơn 161 tỷ USD Mỹ góp phần mở rộng việc làm nên người có khả năng làm việc được bảo đảm việc làm khá đầy đủ.

Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 chỉ ở mức 1,82%, lao động thiếu việc làm cũng chỉ chiếm 1,5% những người trong độ tuổi lao động đang có việc làm. Lực lượng lao động lớn, được bảo đảm việc làm là nhân tố chủ yếu thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và đưa quy mô nền kinh tế tăng hạng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cả nước ta vẫn cao, khoảng 30%, (các nước phát triển chỉ khoảng 3% hoặc 4%). Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ở bậc sơ cấp trở lên còn thấp, năm 2020 khoảng 26%, thậm chí vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có 7%.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao. Năm 2020 kém Singapore tới hơn 12 lần, kém Philippines 1,3 lần và Indonesia 1,2 lần. Vì vậy, nâng cao năng suất lao động là thách thức lớn nhất để đưa nền kinh tế của nước ta đột phá tăng trưởng nhanh hơn nữa, sớm trở thành nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới, tương xứng với quy mô dân số.

Tăng cường truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Ba là, Việt Nam đạt 100 triệu dân khi mức sinh giảm, thấp, mô hình “gia đình 2 con” phổ biến.

Từ năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Hơn 60 năm kiên trì và đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, mức sinh ở Việt Nam đã giảm, thấp. Từ năm 2005, tính chung trên phạm vi cả nước, bình quân mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con. Mức sinh thấp này được giữ vững cho đến nay.

Nhiều nước khi đạt 100 triệu dân, mật độ dân số rất cao nhưng bình quân mỗi phụ nữ vẫn sinh 5 con nên xảy ra siêu bùng nổ dân số khiến sự phát triển rất khó khăn, thiếu bền vững.

Các cuộc điều tra mức sống dân cư ở nước ta đều khẳng định xu hướng chung là quy mô gia đình càng nhỏ, thu nhập bình quân đầu người càng lớn. Tính chất này đúng đối với cả nước, từng vùng, từng tỉnh và tất cả các năm. Như vậy, mức sinh thấp góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống nhân dân.

Mặt khác, khi xã hội còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam hơn nữ” nên khi nhiều con, nghèo khó, con gái thường bị thất học. Ngược lại, khi ít con, vào thời kỳ đổi mới, kinh tế, xã hội phát triển hơn, gia đình có thể bảo đảm cho 2 con đi học, tạo cơ hội lớn cho trẻ em gái và phụ nữ đến trường.

Vì vậy, hiện nay tỷ lệ nữ sinh cao, thậm chí càng ở bậc học cao hơn, tỷ lệ nữ sinh càng cao và cao hơn tỷ lệ nam sinh. Năm học 2022-2023 tỷ lệ nữ sinh trung học phổ thông là 53,4%, nữ sinh đại học là 53,8%. Học vấn cao là nền tảng vững chắc để phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, xã hội và bình đẳng giới.

Việt Nam đạt đến 100 triệu dân khi chính sách kế hoạch hóa gia đình đã thực hiện được hơn 60 năm, mục tiêu giảm sinh đã đạt được vững chắc và quan trọng nhất là gần 40 năm qua thành tựu đổi mới đã mở ra cơ hội phát triển rộng lớn chưa từng thấy cho đất nước. Những thành tựu tạo sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy đất nước ta phát triển nhanh trong thời gian qua và nhất định sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số.

● Hơn 40% phụ nữ trên thế giới không thể tự quyết định về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền về sức khỏe sinh sản của mình.

● Cứ 4 phụ nữ thì chỉ có một người ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình thực hiện được mong muốn sinh sản của mình.

● Cứ 2 phút lại có một phụ nữ tử vong khi mang thai hay trong lúc sinh nở (ở những khu vực có xung đột thì con số tử vong này cao gấp đôi)

● Gần một phần ba phụ nữ bị bạo lực bởi bạn tình, bị bạo lực tình dục bởi người không quen biết hoặc cả hai trường hợp

● Chỉ có 6 quốc gia có 50% hay hơn 50% thành viên quốc hội là phụ nữ

● Hơn hai phần ba trong số 800 triệu người dân không biết đọc trên toàn cầu là phụ nữ

Ngày Dân số Thế giới năm 2023 lại là một dịp nữa để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn.

Theo Nhân Dân