Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh loại trừ các bệnh ung thư do HPV

18/07/2025 - 13:39

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 6.000 ca ung thư liên quan đến virus HPV, trong đó ung thư cổ tử cung cướp đi sinh mạng của hơn 2.500 phụ nữ. Trước thực trạng đáng báo động này, ngành y tế đang đẩy nhanh lộ trình đưa vaccine phòng HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm giảm gánh nặng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.

Chú thích ảnh

Chiến dịch Truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”. Ảnh: MSD

HPV (Human Papillomavirus) là một trong những tác nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật và mụn cóc sinh dục ở cả hai giới. Theo Globocan 2022, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Dự báo đến năm 2070, nếu không có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, số ca tử vong có thể lên đến 200.000 trường hợp.

Trong khuôn khổ Chiến dịch Truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”, do Bộ Y tế phát động với sự đồng hành của Công ty TNHH MSD HH Việt Nam (MSD), nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu đã được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ y tế và chuyên gia trong các lĩnh vực y học dự phòng, sản phụ khoa, nhi khoa, da liễu và ung thư. Các viện nghiên cứu và bệnh viện đầu ngành trong nước và quốc tế, bao gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và thúc đẩy các khuyến nghị chính sách y tế.

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: “Vaccine HPV là một trong những thành tựu y học dự phòng quan trọng nhất trong thế kỷ 21, với bằng chứng khoa học vững chắc từ các thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia và dữ liệu thực tế ghi nhận tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Khoa học đã trao cho chúng ta giải pháp phòng ngừa hiệu quả, việc chần chừ tiêm chủng hôm nay có thể để lại rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe ngày mai”.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tính đến năm 2023, thế giới đã có 6 loại vaccine phòng HPV và có 194 quốc gia triển khai tiêm chủng. Trong số đó, 9 quốc gia Đông Nam Á đã đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu, tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine HPV đạt từ 42 đến 86%, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của hệ thống y tế toàn cầu đối với loại vaccine này”.

Chú thích ảnh

Triển lãm công nghệ giúp công chúng tìm hiểu về HPV một cách trực quan, sinh động. Ảnh: MSD

Tại Việt Nam, theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030, vaccine phòng HPV là một trong bốn loại vaccine mới dự kiến được đưa vào chương trình. Việc tích hợp vaccine HPV vào hệ thống tiêm chủng quốc gia sẽ giúp hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ trẻ có cơ hội tiếp cận biện pháp bảo vệ hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan.

Một trong những điểm nhấn của chiến dịch là triển lãm cộng đồng “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại trải nghiệm tương tác cho người dân. Qua đó, người tham gia có thể tìm hiểu rõ hơn về virus HPV, cách phòng ngừa và vai trò then chốt của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Với sự đồng hành của các tổ chức y tế, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp như MSD, chiến dịch truyền thông về HPV đang tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng, hướng đến mục tiêu phổ cập vaccine HPV như một phần không thể thiếu của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, góp phần xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai.

Chiến dịch Truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV” được triển khai trên nhiều tỉnh, thành, hướng đến việc cung cấp thông tin khoa học chính xác thông qua các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, tăng cường hợp tác liên ngành và thúc đẩy giải pháp truyền thông đồng bộ.

Theo TTXVN