Việt Nam sẽ thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới

05/01/2020 - 14:42

Các mô hình dịch vụ thanh toán mới có định hướng được thí điểm khi chưa có quy định của pháp luật.


Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Tại nghị quyết trên, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thí điểm các giải pháp thanh toán mới mà trước đó nhiều tổ chức đã có kiến nghị.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.

Những nội dung trên được yêu cầu hoàn thành trong quý IV-2020.

Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước từng cho biết đã tiếp nhận đề nghị triển khai mô hình thanh toán mới của các tổ chức như: ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank.

Mô hình này nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được thực hiện thông qua ngân hàng/trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như thẩm quyền cho phép thí điểm, cơ quan này đã trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, xử lý cho phép thí điểm các mô hình trên, qua đó tổng kết nắm bắt thực tế nhằm xây dựng các quy định đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, dịch vụ thanh toán điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định pháp lý cụ thể đối với các giao dịch thanh toán quốc tế để giúp cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, thu thập thông tin để kiểm soát doanh thu, lợi nhuận phục vụ công tác quản lý thuế.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần bổ sung rõ ràng các quy định về thanh toán quốc tế giúp cho các chủ thể trong và ngoài nước tuân thủ các quy định, ràng buộc của pháp luật hiện hành.

Theo THANH BÌNH (BizLIVE)