Thông tin được GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Nghiên cứu và ứng dụng trong y học tổ chức ngày 12/10.
Theo Giáo sư Kính, trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành một loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp 2 gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.
"Vừa qua, một loại vắc xin phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm vắc xin này", Giáo sư Kính thông tin.
Theo vị chuyên gia, vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, ông Kính cũng cho rằng với vắc xin phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng tác động sức khỏe trước khi áp dụng rộng rãi.
Trên thế giới, năm 2015, Mexico là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức lưu hành vắc xin phòng sốt xuất huyết có tên Dengvaxia. Vắc xin này được nghiên cứu trong 20 năm và thử nghiệm tại 17 quốc gia.
Vắc xin này cũng được một số quốc gia khác dùng, được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua ngày 1/5/2019, có thể phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue cho cả 4 tuýp.
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, 26 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, gần 2 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh.
Tuần đầu tháng 10 Hà Nội có thêm gần 2.600 ca mắc, tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có khoảng 18.000 ca, tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, ít nhất 3 ca tử vong. Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.
Theo Vietnamnet