Việt Nam và các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi mở rộng hợp tác

18/11/2020 - 08:29

Các nước châu Phi nói tiếng Pháp là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia với tổng dân số hơn 570 triệu người và được dự báo là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: tapchicongthuong.vn)

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương Việt Nam vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và một số Thương vụ Việt Nam tại châu Phi tổ chức hội thảo trực tuyến “Tiềm năng và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi.”

Trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hội thảo đã giành được sự quan tâm tham dự của khoảng hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội phía Việt Nam và các nước châu Phi là thành viên của OIF.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại châu Phi nhân dịp này, ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal - đã nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác của Việt Nam với thị trường rộng lớn này.

Tham tán Hoàng Đức Nhuận cho biết các nước châu Phi nói tiếng Pháp là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia với tổng dân số hơn 570 triệu người và được dự báo là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới. Do đó, cơ hội kinh doanh tại khu vực đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Từ năm 2008, hưởng ứng sáng kiến của OIF và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhằm thực hiện Chương trình Hành động Siem Reap về đẩy mạnh trao đổi thương mại giữa ba khu vực, gồm các nước nói tiếng Pháp có sông Mekong chảy qua (Việt Nam, Lào, Campuchia), Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), các cơ quan, tổ chức của Việt Nam như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may, các doanh nghiệp của Việt Nam và của các nước khu vực Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp đã tích cực phối hợp và tham gia nhiều hoạt động do ITC và OIF tổ chức như khảo sát thị trường, các cuộc đối thoại giữa bên mua/bên bán về gạo, gỗ, dệt may, hàng công nghiệp, nông sản, thủy sản, các hội thảo hợp tác ngân hàng giữa Việt Nam và các nước châu Phi tiếng Pháp...

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang 32 thị trường thành viên của OIF tại châu Phi đạt 1,7 tỷ USD, tăng 6,3% và nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong giai đoạn 2015-2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ tại châu Phi đã tăng từ 2,7 tỷ USD vào năm 2015 lên 4,5 tỷ USD vào năm 2019, chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với châu Phi, với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn đạt 13,6%/năm.

Giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi chiếm khoảng 1,1% trao đổi ngoại thương của khối này với thế giới. Trong đó, trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước này tập trung chủ yếu vào 10 đối tác lớn nhất bao gồm Côte d’Ivoire, Ghana, Ai Cập, Cộng hòa Congo, Cameroon, Maroc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Togo, Mozambique, Benin.

Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận phát biểu tại một chương trình xúc tiến thương mại. (Ảnh: Tấn Đạt/TTXVN)

Về cơ cấu hàng hóa trao đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước Pháp ngữ tại châu Phi là gạo.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Ngoài gạo, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này còn có điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy...

Ở chiều ngược lại, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ.

Kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng nói trên chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Pháp ngữ tại châu Phi. Đánh giá cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên về cơ bản mang tính chất bổ sung lẫn nhau.

Tại cuộc hội thảo nói trên, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp châu Phi đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời khẳng định mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.

Đặc biệt, phía châu Phi đánh giá cao những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các giải pháp khôi phục nền kinh tế trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Để sớm phục hồi các hoạt động thương mại song phương sau những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hợp tác đầu tư, phát triển thị trường hai chiều, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tại hội thảo đặc biệt quan tâm đến phương thức tiếp cận thị trường, nhu cầu sản phẩm, phương thức thanh toán và các kinh nghiệm phòng tránh rủi ro trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên.

Theo ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF tại Hà Nội, Việt Nam được xem là cửa ngõ để mở ra thị trường Đông Nam Á đối với các doanh nghiệp châu Phi.

Tương tự, các nước châu Phi cũng có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Á nhờ Việt Nam.

Châu Phi và châu Á có nhiều cơ hội với nhiều điểm tương đồng như dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, kinh tế bổ trợ.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cộng đồng Pháp ngữ đang là đối tác đối với sự phát triển của ASEAN, vì vậy cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi đang rất rộng mở.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ và sẽ tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực chung vì một Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng đoàn kết và vững mạnh hơn.

Nhiều nước Pháp ngữ tại châu Phi đang tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Quá trình đô thị hóa tại nhiều nước châu Phi đang diễn ra với tốc độ nhanh. Cộng đồng dân cư có thu nhập cao và thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng, đồng thời kinh tế nhiều nước châu Phi có sự tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây.

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo châu Phi sẽ là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới. Theo đó, châu Phi đang đặt ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, là nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và được kết nối với nhiều thị trường rộng lớn hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là đối tác quan trọng của nhiều nước châu Phi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa các nước châu Phi thuộc khối Pháp ngữ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế Pháp ngữ.

Theo Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận, châu Phi nói chung và các nước nói tiếng Pháp trong khu vực này nói riêng vẫn còn nhiều dư địa cho hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh thương mại thông thường, lục địa này hiện đang nổi lên như một điểm đầu tư tiềm năng trên thế giới.

Theo một nghiên cứu của Văn phòng tư vấn Ernst & Young, niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế châu Phi đã cho phép thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lục địa Đen tăng mạnh trong 10 năm qua.

Một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã đầu tư tại châu Phi trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, chế biến gỗ... và đã thu được những kết quả tích cực.

Theo TẤN ĐẠT (TTXVN)