Biến thể SARS-CoV-2 đã lây lan ra 50 nước, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát tại biên giới
Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 20-1, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, thế giới hiện ghi nhận hơn 96 triệu ca nhiễm và hơn hai triệu ca tử vong do Covid-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là gần 69 triệu người và còn hơn 25 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó 111.847 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12-2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.
Chốt chống dịch tại Đồn Biên Phòng Na Hình, Lạng Sơn.
Tại Việt Nam, tính đến 17 giờ ngày 19-1, vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh vào Việt Nam, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.540 trường hợp mắc, trong đó có 880 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước, 35 trường hợp tử vong.
Từ tháng 4-2020 đến nay, chúng ta đã thực hiện 366 chuyến bay với tổng số 74.944 người nhập cảnh, trong đó có 584 người dương tính trên 122 chuyến bay.
Chuyến bay có người dương tính chủ yếu đến từ Nga (15 chuyến, 204 ca dương tính), Nhật (21 chuyến, 40 ca dương tính), Mỹ (14 chuyến, 46 ca dương tính), Anh (năm chuyến, 13 ca dương tính), Hàn Quốc (bảy chuyến, 14 ca dương tính), UAE (sáu chuyến, 31 ca dương tính), Pháp (sáu chuyến, 41 ca dương tính), Ấn Độ (năm chuyến, 26 ca dương tính), Kuwait (hai chuyến, 13 ca dương tính), Bangladesh (một chuyến, 14 ca dương tính), Rumani (một chuyến, 34 ca dương tính)...
Riêng 20 ngày đầu của tháng 1-2021, Việt Nam ghi nhận 75 ca nhiễm nhập cảnh (chiếm 8,4% trong tổng số mắc Covid-19 nhập cảnh), tăng thêm 11 ca so với cùng kỳ của tháng 12-2020 (64 ca).
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2020, cả nước phát hiện có 177 người nước ngoài (167 người Trung Quốc, tám người Campuchia, một người Canada, một người New Zealand) và 1.843 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới đường bộ đã và đang được cách ly, xử lý.
Đại diện tỉnh Cao Bằng cho biết, trong thời gian vừa qua, tại Cao Bằng, tiếp nhận 136 công dân Việt Nam từ Trung Quốc chuyển về, chủ yếu công dân của Việt Nam. Từ đầu tháng 1 đến nay, có khoảng ba nghìn trường hợp từ Trung Quốc về diện cách ly tại địa bàn, có ngày cao điểm lên tới 309 trường hợp. Riêng hôm qua, 19-1, có gần 200 trường hợp.
"Các trường hợp này chủ yếu nhập cảnh vào nửa đêm và trái phép nên công tác tiếp nhận và xử lý rất vất vả. 350 ngày qua, các anh em phải căng mình toàn tuyến biên giới, bất chấp thời tiết mưa lạnh, địa hình đồi núi phức tạp để bảo vệ biên giới. Chúng tôi đang nỗ lực quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyến đầu và hiện chưa phát hiện người nào dương tính", đại diện Sở Y tế Cao Bằng cho hay.
Đại diện Sở Y tế Tây Ninh, khi Bộ Y tế cảnh báo phức tạp từ người nhập cảnh trong dịp Tết nguyên đán, UBND tỉnh đã họp kiểm soát tình hình biên giới và khu cách ly. Trung bình mỗi ngày, Tây Ninh tiếp nhận 100-120 ca nhập cảnh, riêng hai ngày gần đây là 150-160 người nhập cảnh về nước.
Tây Ninh đã mở rộng 31 khu cách ly, trong đó có 10 cơ sở y tế cách ly cho người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai và một khu cách ly cho người nghiện ma túy. Tây Ninh cũng duy trì 123 chốt kiểm soát biên giới.
Tại hội nghị, một số tỉnh biên giới như Tây Ninh, Cao Bằng, Hà Tĩnh... đề xuất với Bộ Y tế, Quân đội hỗ trợ công tác cách ly trong trường hợp các địa phương quá tải khi có ngày càng nhiều người dân nhập cảnh qua các tỉnh này về Việt Nam dịp Tết nguyên đán.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh lực lượng chức năng, bộ đội biên phòng tăng cường cho biên giới tại 1.608 chốt với gần 10 nghìn chiến sĩ giữ phên dậu tại đây. Nhiều đồng chí 5-6 tháng không được về nhà, phải hoãn việc riêng để tập trung canh gác tại biên giới.
Đại diện Sở Y tế Tây Ninh báo cáo tại hội nghị.
Mỗi địa phương cần có ngay phòng xét nghiệm khẳng định Covid-19
Những ngày vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức đoàn kiểm tra về công tác nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh tại các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp. Ngày 21-1, đoàn sẽ tiếp tục đi kiểm tra tại Cần Thơ và Quảng Ninh.
Theo đoàn kiểm tra, hiện nay, các cơ sở cách ly đã thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tổ chức. Tuy nhiên còn một số điểm cần lưu ý đối với cách ly y tế tập trung. Đầu tiên là một số nơi vẫn chưa lấy mẫu ngay ngày đầu sau khi đến khu cách ly.
Việc tổ chức cách ly và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm giữa các khu vực trong khu cách ly tập trung (một số nơi) chưa tốt, thí dụ như vẫn để tập trung các suất ăn tại hành lang tâng cách ly (thay vì để tại cửa từng phòng để hạn chế tối đa tiếp xúc trong khu cách ly). Tổ chức giám sát y tế 14 ngày sau khi kết thúc cách ly tập trung chưa chặt chẽ.
Đoàn kiểm tra đã đề nghị các đơn vị tiếp tục tập huấn, phổ biến các hướng dẫn cách ly y tế; Tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát công tác cách ly y tế bảo đảm thực hiện đúng các nội dung chuyên môn phòng, chống dịch bệnh; Đẩy mạnh thông tin truyền thông và phối hợp liên ngành thực hiện tốt công tác cách ly y tế; Xử phạt nghiêm các tổ chức/cá nhân vi phạm quy định cách ly y tế.
Tính đến ngày 17-1-2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 1.552.383 mẫu tương đương 1.748.868 lượt người được xét nghiệm. Số phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR là 148 phòng với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 51.825 mẫu/ngày. Số phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định: 94/148 với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 42.460 mẫu/ngày.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay, vẫn còn 14 bệnh viện xếp ở mức bệnh viện không an toàn. Với tiêu chí phòng khám an toàn, hiện vẫn còn 53% phòng khám chưa thực hiện đánh giá, đăng ký phần mềm trực tuyến mà Cục đã cung cấp.
Nhân lực cho hồi sức cấp cứu và điều trị tích cực còn mỏng. Do đó Phó Cục trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục cử đào tạo bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu, để chủ động trong tình huống dịch xảy ra tại địa phương mình.
Hiện có 60 bệnh viện thực hiện xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên con số này chưa đạt yêu cầu so với gần 200 bệnh viện đa khoa, trung tâm tuyến tỉnh trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, mỗi địa phương đều cần phải thiết lập ngay phòng xét nghiệm khẳng định Covid-19, để không phải chuyển mẫu về tuyến trên, bảo đảm chính xác truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời, hiệu quả.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Công văn số 308/CV-BCĐ ngày 14-1-2021 về việc tăng cường kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 917.015 trường hợp mắc (26.282 trường hợp tử vong), hiện dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ các tỉnh, thành phố của Indonesia. Tiếp theo là Philippines với tổng số 502.736 ca nhiễm (9.909 trường hợp tử vong); đã ra thông báo cấm nhập cảnh lên tới 33 quốc gia.
Malaysia là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 605 ca tử vong và 161.740 ca mắc. Tại Singapore, nước này phát hiện hai ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 17-1, hình thành chùm ca bệnh mới liên quan tới một nhân viên phụ tá trong lực lượng cảnh sát Singapore.
Theo LAM NGỌC (Báo Nhân Dân)