Cụ thể, theo Kết luận điều tra vụ án của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, khi 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thông qua 74 pháp nhân, cá nhân để sở hữu/chi phối 85,606% cổ phần tại tổ chức tín dụng này. Trương Mỹ Lan cũng là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối SCB sau hợp nhất.
Sau khi thâu tóm SCB, Trương Mỹ Lan chọn nhân viên cũ từng làm trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc người có chuyên môn về tài chính đảm nhận các vị trí chủ chốt tại SCB.
5/7 bị can bỏ trốn trong vụ Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố, xét xử vắng mặt.
Trong quá trình làm việc tại SCB, Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) ký 4 biên bản họp/ Tờ trình Hội đồng tín dung hội sở, 328 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 273 Nghị quyết đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 tài khoản tại SCB với dư nợ đến ngày 17-10-2022 là hơn 422.000 tỉ đồng.
Bị can Đinh Văn Thành bị đề nghị truy tố 2 tội danh là “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Trong đó, bị can Thành bị xác định đã tham ô hơn 189.000 tỉ đồng và liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 42.000 tỉ đồng.
Trước khi khởi tố vụ án, Đinh Văn Thành đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên cùng với việc khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã bị can, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại địa phương – nơi bị can đăng ký thường trú…
Đối với các bị can bỏ trốn bị xác định phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT SCB) bị cáo buộc liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 7.000 tỉ đồng. Bị can Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) bị cáo buộc liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 3.700 tỉ đồng.
Bị can Chiêm Minh Dũng (cựu Phó chủ tịch HĐQT SCB) thừa ủy quyền của Chủ tịch HĐQT đã ký 75 Tờ trình thẩm định cho vay, 143 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 9 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư trung ương, 123 biên bản họp/ phiếu biểu quyết của HĐQT, 58 Nghị quyết đồng ý cho 305 khách hàng là cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 362 khoản vay tại SCB. Bị can Dũng bị cáo buộc liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 140.000 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) trên cương vị Chủ tịch HĐQT của SCB đã ký 4 biên bản họp/ phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 Nghị quyết đồng ý cho 79 khách hàng là cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 79 khoản vay tại SCB, dư nợ đến ngày 17-10-2022 là hơn 55.000 tỉ đồng.
Trong đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo hiện tại của các khoản vay mà bị can Sương ký thủ tục hợp thức (theo kết quả định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân và đánh giá đủ pháp lý của SCB) là hơn 48.800 tỉ đồng. CQĐT kết luận hành vi của Nguyễn Thị Thu Sương đã liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền gần 7.000 tỉ đồng với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan.
Theo Kết luận điều tra, căn cứ quy định của pháp luật, CQĐT đề nghị Viện KSND Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm truy tố, xét xử vắng mặt đối với 5 bị can hiện vẫn đang bỏ trốn để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã đối với 7 bị can. Bộ Công an yêu cầu các bị can tự giác ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa và trình bày các nội dung liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật.
Trong số 7 bị can bị truy nã, có 2 bị can mang quốc tích nước ngoài. Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, CQĐT quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam.
Theo LÂM VINH (An ninh Thủ đô)