Vụ việc của ông Tính thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao

21/11/2022 - 07:01

 - Phản ánh sự việc đến Báo An Giang, ông Trần Văn Tính (sinh năm 1974, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho rằng, bị người khác lừa gạt dẫn đến mất tài sản, nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết hợp lý.

Ông Tính cho biết, năm 2010, vợ chồng ông sở hữu 66.000m2 đất nông nghiệp ở xã Tân Phú, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cần số tiền lớn để đáo hạn ngân hàng, ngày 28/9/2017, ông Trần Văn Tài đưa vợ chồng ông đến tiệm vàng N.B (chợ Cần Đăng, huyện Châu Thành) để vay nợ. Tại đây, bà L.T.N.B (chủ tiệm vàng) làm biên nhận cho mượn 2.520.000.000 đồng (lãi suất 11 triệu đồng/ngày), cho người mang tiền đến tận ngân hàng giao.

Nơi đây, hẹn 8 giờ ngày 29/9/2017 nhận hồ sơ ký thế chấp tài sản để nhận 3 tỷ đồng. Ông Tính và phía bà B. thực hiện xong, rồi cùng ông Tài mang hồ sơ đến một phòng công chứng ở thị trấn An Châu công chứng về việc vay 3 tỷ đồng.

“Khoảng 10 giờ ngày 29/9/2017, ông T.P.B (chồng bà B.) đến văn phòng công chứng với thái độ khó chịu, cho rằng tôi lừa gạt gia đình ông. Nhưng nghe tôi giải thích, phân tích, ông đổi ý, sự việc yên ổn. Sau đó, tôi ký hồ sơ theo hướng dẫn của văn phòng công chứng, bởi muốn sự việc suôn sẻ, sớm có tiền trả lại cho bà B.

Tuy nhiên, khoảng 8 giờ ngày 30/9/2017, tôi qua phòng công chứng nhận hợp đồng vay, thấy là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, với 4 GCNQSDĐ, diện tích 66.000m2, trong đó có GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tôi gửi đơn đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Châu Thành ngăn chặn sang nhượng, nhưng không được nhận đơn” - ông Trần Văn Tính cho biết thêm.

Ông Trần Văn Tính trình bày sự việc

Ông Tính báo cho ông Phạm Minh Phương (người cố đất) và ông Lê Văn Được (đứng tên giùm trên đất) biết sự việc, 2 người gửi đơn yêu cầu ngăn chặn việc sang nhượng nhưng không được xem xét. Đầu tháng 10/2017, vợ chồng ông Phạm Minh Phương khởi kiện vợ chồng ông Tính đến TAND huyện Châu Thành về việc “Hợp đồng cầm cố QSDĐ; Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; Đòi tài sản”.

Ngày 31/7/2018, tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Kết quả, tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ký ngày 29/9/2017 giữa vợ chồng ông B. và ông Trần Văn Tính, bà Lê Thị Kiều là vô hiệu. Buộc vợ chồng ông Tính liên đới trả cho họ 2.550.000.000 đồng cùng số tiền  chênh lệch (470.354.000 đồng), tổng cộng 3.159.854.000 đồng.

Bản án sơ thẩm 123/2018/DS-ST, ngày 31/7/2018 của TAND huyện Châu Thành bị kháng cáo. Ngày 21/9/2018, TAND tỉnh thụ lý vụ án số 141/2018/TLPT-DS và ngày 26/12/2018 xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, người đại diện của vợ chồng ông B. cho biết, các bên thỏa thuận chuyển nhượng tổng số tiền 2.809.061.000 đồng, nhưng hợp đồng công chứng ghi 2.550.000.000 đồng. Vợ chồng ông Tính đã ký tên trong Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và nhận tiền.

Trả lời việc này, ông Tính cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, vợ chồng ông vắng mặt theo ý của luật sư bảo vệ (vì vậy ông khiếu nại việc này). Gia đình ông chỉ vay tiền đáo hạn của bà B., chứ không sang nhượng 66.000m2 đất với giá 43 triệu đồng/công đất. Đặc biệt, tại văn phòng công chứng, ông ký tên theo chỉ dẫn của phía bà B., sau mới biết gia đình bán đất.

Qua xét xử, TAND tỉnh An Giang quyết định: Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Tính; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một phần yêu cầu kháng cáo của vợ chồng ông B. về bồi thường thiệt hại do không được canh tác. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của vợ chồng ông B., yêu cầu công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ công chứng ngày 29/9/2017; tuyên bố Hợp đồng cầm cố QSDĐ giữa vợ chồng ông Phạm Minh Phương và vợ chồng ông Trần Văn Tính là vô hiệu... Buộc vợ chồng ông Trần Văn Tính liên đới trả cho vợ chồng ông B. diện tích đo thực tế 64.676m2 do ông Tính đứng tên; buộc vợ chồng ông B. liên đới trả gần 150 triệu đồng cho phía ông Tính.

Sau ngày Bản án 230/2018/DS-PT của TAND tỉnh có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông Trần Văn Tính gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi. Nhiều cơ quan tư pháp của tỉnh và Trung ương nhận đơn, thông tin về việc chuyển đơn đến cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền, cho biết không có cơ sở xem xét tiếp...

Tháng 7/2022, ông Trần Văn Tính phản ứng bằng nhiều hành động tiêu cực. Ông bị Công an xã Tân Phú mời về trụ sở lập biên bản, cho cam kết không tái phạm. Ngày 25/9/2022, Công an huyện Châu Thành giải thích về việc khiếu nại, yêu cầu ông rút đơn do nội dung đơn trái quy định của pháp luật.

Đến ngày 5/10/2022, ông Tình và 6 người chở cây vào đất cất nhà, bị Công an xã lập biên bản ngăn chặn hành vi vi phạm. Ngày 7/10/2022, Công an huyện Châu Thành mời ông làm việc, yêu cầu cam kết không vi phạm, nếu tái phạm sẽ bị chế tài theo quy định. Ông Tính vẫn tiếp tục yêu cầu được giải quyết vụ việc.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, hành vi của ông Tính là vi phạm pháp luật. Về vụ việc của ông, nếu xét thấy, phát hiện quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, TAND sẽ kháng nghị, kháng cáo theo quy định.

Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép thẩm quyền của tòa án, mặc dù Hội đồng thẩm phán tối cao đã xem xét rồi vẫn có quyền xem xét lại để bảo đảm quyền lợi của người dân. Bản chất của kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là mở ra môi trường tố tụng đủ để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm mục đích đảm bảo công lý và lẽ phải, nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.

N.R