Vun trồng cho tương lai

23/02/2024 - 08:22

 - Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng trên Báo Nhân Dân, nhan đề “Tết trồng cây”, làm rõ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.

Thực hiện di nguyện của Người, cả nước đã trải qua 65 mùa Tết trồng cây, được thực hiện vào đầu Xuân, khi cả nước vừa nhộn nhịp đón Tết Nguyên đán. Tết trồng cây trải dài từ Trung ương đến cơ sở, từ bộ, ngành đến các hộ dân ở địa bàn dân cư. Từ đây, một tập quán tốt đẹp của Nhân dân ta được hình thành, mang nhiều tên gọi: “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”… Dù thay đổi tên gọi thế nào, hoạt động này vẫn giữ trọn vẹn dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác.

Sau 3 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, cả nước đã trồng gần 724 triệu cây. Dự báo những năm tới, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề. Do đó, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác về Tết trồng cây, về lợi ích to lớn của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Cứ mỗi cái Tết như thế, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, tạo nên nếp sống thân thiện, hòa hợp với thiên nhiên, với cộng đồng.

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng còn là yêu cầu cấp bách, một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cộng đồng và người dân Việt Nam. Sự chung sức, đồng lòng ấy có thể bắt đầu từ hành động nhỏ: Trồng cây.

Một sớm mai, chúng tôi có mặt tại phường An Phú (TX. Tịnh Biên), nơi dùng làm thao trường thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Nơi đây vẫn còn khá trống trải, bóng mát của cây chưa phủ nhiều. Khi hàng trăm cây nhỏ được đặt vào lòng đất, mọi người kỳ vọng chúng sẽ sớm trưởng thành, sớm biến mảnh đất trống thành khu vực xanh tươi. “Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP tỉnh độc lập, phối hợp với nhiều ngành, địa phương trồng hơn 100.000 cây xanh các loại, gắn với thực hiện phong trào xây dựng đơn vị chính quy, xanh - sạch - đẹp. Khuôn viên trong doanh trại, địa bàn, biên giới được trồng nhiều loại cây lấy bóng mát, cây cảnh, cây ăn trái… vừa góp phần cải thiện môi trường sinh thái, vừa tạo cảnh quan. Năm nay, chúng tôi phấn đấu trồng 6.500 cây xanh các loại, tương ứng với kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2024)” - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp (Chính ủy BĐBP tỉnh) thông tin.

Anh Hồ Văn Phong (Phó Bí thư Chi đoàn khóm Phú Hòa, phường An Phú) chia sẻ: “Tôi đã vài lần tham gia Tết trồng cây ở địa phương, nhận thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, mang lại lợi ích cho lớn cho xã hội. Ở nhà, tôi thường trồng một số loại cây, hoa kiểng, nên có kinh nghiệm. Ngoài việc trồng cây, việc chăm sóc cây rất quan trọng; phải thường xuyên vun bón, tưới nước để nâng tỷ lệ sống cho cây nhỏ”.

Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, TP. Long Xuyên được kỳ vọng nhiều về mô hình đô thị xanh. Ngày 14/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 494/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị TP. Long Xuyên đến năm 2035. Địa phương cần phát triển hệ cây xanh đa dạng, nhiều tầng tán, tạo cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái; chú trọng cây to, cao, gây ấn tượng (sao đen, me tây) đan xen với cây hoa 4 mùa. Đối với công viên vườn hoa, tạo điểm nhấn công viên cây xanh, làm điểm đến trải nghiệm, du lịch ngắm cảnh, nhất là ở đầu hành lang xanh. Cây bóng mát đường phố chủ yếu là cây to, lâu năm, tán dày, đẹp.

Năm 2023, TP. Long Xuyên phát động trồng 147.551 cây xanh. Riêng trong phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, địa phương trồng 263 cây (giáng hương, kèn hồng, dầu) tại khu hành chính, trường học; 6.000 cây ô môi tại tuyến tránh; 24.888 cây xanh phân tán tại xã, phường; 400 cây xanh đô thị và 116.000 cây ăn trái trong hộ dân. Tết trồng cây năm nay, địa phương phát động trồng 118.000 cây xanh. Trong đó, 58.000 cây xanh phân tán; 2.000 cây xanh đô thị; 58.000 cây xanh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng tại công viên, trường học, tạo cảnh quan môi trường.

Tết trồng cây chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, nhưng gieo trồng hàng triệu cây xanh, giúp chúng đâm chồi nảy lộc từ lòng yêu thiên nhiên của con người, từ mong ước gửi lại tương lai xanh cho thế hệ sau, như thế hệ trước đã từng.

VẠN LỘC