Vùng đất An Giang qua nhiếp ảnh và âm nhạc

22/11/2022 - 06:08

 - Mượn lời ca, tiếng hát, văn thơ, nhạc họa, những nghệ sĩ đã thầm lặng chuyển tải những nét đẹp, tình yêu quê hương đất nước lan tỏa đến công chúng. Qua đó, góp phần giúp cho mỗi người dân thêm yêu và tự hào về vùng đất anh hùng, từ thuở cha ông đi mở cõi đến hình thành và phát triển vùng đất An Giang ngày càng yên bình và thịnh vượng.

An Giang là vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long, có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer sống khắng khít, yêu thương, đoàn kết; có vùng Thất Sơn huyền bí, nơi lưu giữ nền văn minh Óc Eo rực rỡ. Ngoài ra, An Giang còn sở hữu nhiều phong cảnh non nước hữu tình, cộng thêm sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt và lao động của các dân tộc đã tạo nên bức tranh tổng thể đầy màu sắc mà rất hài hòa. Dù ở góc độ nào, trong hình thức chuyển tải nào của văn nghệ sĩ, An Giang vẫn rất xinh đẹp và yên bình.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nhiếp ảnh, trong suốt chiều dài phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật An Giang, đặc biệt là khi sáng tạo của con người đồng hành với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, ống kính của các nhiếp ảnh gia đã ghi nhận về thiên nhiên và con người với niềm say mê và trách nhiệm. Tất cả đã tạo nên tập ảnh nghệ thuật “Nét đẹp An Giang” (do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh biên tập), là những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ sĩ nhiếp ảnh, phản ánh đa dạng và phong phú về con người, vùng đất An Giang.

Bài múa “Sắc màu làng Chăm” do PGS.TS Võ Văn Thắng sáng tác, biểu diễn trong các hội thảo

Qua cái nhìn của các nhiếp ảnh gia, như: Dương Văn Châu, Cao Minh Dẹt, Võ Trung Kiên, Nguyễn Hoàng Nam, những góc ảnh mới về vùng Bảy Núi, với cánh đồng xanh mướt xen lẫn hàng cây thốt nốt, mùa nước nổi An Giang, làng bè Châu Đốc, làng Chăm bên sông Hậu êm đềm được chuyển tải một cách đầy màu sắc, lãng mạn và nhẹ nhàng đến với người xem.

Ở lĩnh vực âm nhạc và sân khấu, những nghệ sĩ gạo cội với vốn sống dồi dào, tuổi thơ đầy trải nghiệm, chứng kiến bao thăng trầm, sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương An Giang đã sáng tác những ca khúc hay, đi vào lòng người, được các nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn.

Về xứ lụa Tân Châu, chúng ta sẽ được dịp lắng nghe bài ca cổ do nghệ sĩ Thanh Danh và Trung Nguyên sáng tác, với niềm tự hào trong ca khúc “An Giang khúc tình quê”. Trong 6 câu vọng cổ, 2 tác giả đã đưa người nghe đến vùng đất xinh đẹp của An Giang, nào là cảnh xuôi ngược ghe xuồng nhộn nhịp bến Ô Môi, về quê Bác bên cù lao Ông Hổ, về Châu Phú, Châu Thành nhớ thời binh Gia Nghị, với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa lịch sử, đến cù lao Phú Tân ngắm ruộng vàng đồng nếp mới, qua phà Thuận Giang vào Chợ Mới, xem nghề mộc Chợ Thủ, Mỹ Luông hay lên núi Cấm viếng chùa Vạn Linh thấy mây bay vờn xuống thấp.

Hay về vùng đất Thoại Sơn, có dịp thưởng thức đến hơn 30 bài ca cổ của tác giả Quang Chính. Ông không chỉ dành tình yêu cho vùng đất Thoại để viết nên tập ca cổ “Đất Thoại khúc tình ca”, mà còn là một niềm tự hào, dành tình yêu tha thiết với An Giang để sáng tác nên ca khúc “Về thăm quê hương Bác Tôn”...

Đó còn là sự vun bồi cho thế hệ sau về tình yêu quê hương đất nước, nhắc nhở sự hy sinh, đấu tranh gian khổ của bao thế hệ chiến sĩ anh hùng lực lượng vũ trang qua bài ca cổ “An Giang đậm nét oai hùng”, về ghi nhớ công ơn bậc tiền hiền đi mở cõi của danh thần Thoại Ngọc Hầu qua các bài “Lưu danh thời mở cõi”, “Đất Thoại đẹp khúc tình ca”, tự hào về nền văn minh cổ “Phù Nam gốm cổ Óc Eo”. Qua các điệu lý dân ca khá quen thuộc, tác giả Quang Chính đã chuyển tải tình yêu và niềm tự hào khi đưa người nghe đến các địa phương khác, như: “Chiều tím Trà Sư”, “Bình Phú đẹp tình quê”, “Tịnh Biên tròn ước hẹn”…

Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, tỉnh đã phát động rộng rãi, tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về An Giang. Qua 526 tác phẩm từ 280 tác giả trong tỉnh và 46 tỉnh, thành phố trên cả nước, ban tổ chức đã chọn được 15 tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất trong đợt sáng tác các ca khúc về An Giang. Đó là “Một thoáng An Giang” của Hứa Sơn Hà, “An Giang quê tôi” Nguyễn Trọng Duy, “Khúc tráng ca mở đất” của Nguyễn Đăng Khoa…

Các tác phẩm phản ánh đa dạng quê hương An Giang từ truyền thống đến hiện đại, truyền tải tình cảm, tình yêu của người An Giang đến với đất nước, với cuộc sống, lịch sử và hôm nay, có sức lay động, lan tỏa, truyền cảm hứng và tự hào về vùng đất, con người An Giang.

Vẻ đẹp thiên nhiên, vùng đất tình người, sự năng động và phát triển của An Giang, một phần vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn luôn là đề tài bất tận của văn nghệ sĩ. Tất cả đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, là người lưu giữ, ngợi ca những giá trị văn hóa tốt đẹp của bao thế hệ hôm nay và mai sau.

NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích