Hiện trạng nhà của ông Sỷ
Ông Kiệt trình bày: “Đầu năm 2017, ông Trịnh Văn Sỷ (hàng xóm) xây dựng nhà. Khi ông Sỷ thi công phần móng, gia đình tôi phát hiện công trình đã lấn sang phần đất của chúng tôi, làm mất trụ đá ranh, nên đề nghị ông Sỷ chấm dứt việc xâm phạm này. Tuy nhiên, ông Sỷ vẫn thi công ngày đêm, phần móng nhà được xây dựng chồng lấn lên phần móng nhà kho của gia đình tôi, khiến tường, nền móng nhà kho bị nứt, vỡ. Ngoài ra, việc thi công không che chắn khiến vôi vữa xi măng rớt xuống phần mái và máng xối nhà kho, gây hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính hơn 130 triệu đồng. Sau nhiều lần đề nghị ông Sỷ ngưng thi công không được, gia đình tôi gửi đơn nhờ địa phương can thiệp”.
Cũng theo gia đình ông Kiệt, ngày 21-6-2017, UBND xã có biên bản ghi nhận sự việc: các bên thống nhất giữ nguyên hiện trạng, chờ đo đạc khôi phục lại mốc ranh. Nếu bên nào vi phạm thì hoàn toàn chịu trách nhiệm và tự tháo dỡ phần vi phạm. Tại lần hòa giải ở ngày 24-8-2017, ông Sỷ đã thừa nhận vi phạm, xin thỏa thuận để giải quyết. Nhưng ông Sỷ lại nhiều lần thách thức, đe dọa, xúc phạm danh dự họ. UBND huyện cử cán bộ chuyên môn đến đo đạc, xác định ranh giới, cho thấy phần xây dựng của ông Sỷ lấn hẳn qua phần đất của gia đình ông Kiệt (biên bản ngày 8-8-2017). Ngày 22-10-2017, UBND xã lập biên bản việc ông Sỷ xây dựng không đúng giấy phép, đình chỉ thi công và buộc khắc phục trong vòng 24 giờ (ông Sỷ không ký tên vào biên bản). Tháng 8-2017, ông Sỷ được UBND huyện An Phú đồng ý cho điều chỉnh giấy phép xây dựng, trong khi vụ việc tranh chấp chưa được giải quyết xong. Gia đình ông Kiệt khởi kiện ra TAND huyện An Phú. Tòa án nhận định rằng, do công trình nhà ông Sỷ sắp hoàn thành, nếu buộc ông Sỷ trả lại hiện trạng đất tranh chấp 3,6m2 bằng cách đập bỏ, thực tế không thể thi hành án được, nên xét xử công nhận sự tự nguyện của ông Sỷ (bồi thường số tiền giá trị đất 3,6m2 tương đương 7,2 triệu đồng). Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm TAND tỉnh giữ nguyên bản án sơ thẩm. Gia đình ông Kiệt yêu cầu cơ quan thẩm quyền xem xét, buộc ông Sỷ trả đất và bồi thường thiệt hại do quá trình xây dựng gây hư hại; đồng thời xử lý đối với Thẩm phán xét xử vụ án.
Phía ông Sỷ cho rằng: “Khi tiến hành xây dựng, tôi có xin phép và được cấp phép xây dựng, có mời gia đình bà Gắt đến chứng kiến, xác định ranh xong thì mới khởi công. Khi công trình đang xây dựng kiên cố, bà Gắt yêu cầu đo đạc xác định lại mốc ranh. Theo kết quả đo đạc, thực tế có phạm qua đất của bà Gắt 3,6m2 (chạy dài phần vách xéo hình cánh buồm). Tôi đồng ý trả giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường và bồi thường một phần thiệt hại. Việc này TAND 2 cấp đã tuyên xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hiện tôi đang yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thi hành theo bản án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi”.
Trao đổi với phóng viên, TAND tỉnh cho biết: ngày 21-10-2019, TAND tỉnh xử phúc thẩm Bản án số 184/2019/DS-PT, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phan Thị Gắt; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 198 của TAND huyện An Phú. Bản án sơ thẩm số 198/2018/DS-ST ngày 14-11-2018 của TAND huyện An Phú, xét xử “Tranh chấp quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Võ Văn Bảo, Phan Thị Gắt với ông Trịnh Văn Sỷ. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện An Phú đã nhận định: căn nhà của ông Sỷ được xây dựng kiên cố, phần 3,6m2 chạy dài theo nền đất chứ không phải vuông, lại nằm trên phần đà móng, cho nên nếu dỡ thì không khả thi, rất khó thi hành, phải đập cả căn nhà, hơn nữa giữa 2 nhà có khoảng cách xa. Cấp sơ thẩm không buộc ông Sỷ trả đất, mà buộc trả theo giá trị đất thị trường cho phía gia đình bà Gắt, với số tiền 7,2 triệu đồng (tương đương giá trị đất 3,6m2). Ông Sỷ được quyền sử dụng phần đất tranh chấp ở các điểm 23,34,35 diện tích 3,6m2 theo bản đồ hiện trạng ngày 28-6-2018 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh An Phú; bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra với số tiền là 16.066.088 đồng. Ông Sỷ phải trả cho vợ chồng ông Bảo, bà Gắt 23.266.000 đồng và 10.005.500 đồng tiền chi phí tố tụng, tổng cộng 33.271.500 đồng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, nếu gia đình bà Gắt vẫn không đồng ý thì có quyền khiếu nại giám đốc thẩm, theo trình tự thủ tục quy định.
Bài, ảnh: K.N