Tổ chức Rikolto của Bỉ hợp tác với các đối tác, tổ chức trong nước giúp nông dân xây dựng năng lực sản xuất và quảng bá rau an toàn (Ảnh minh họa: Rikolto Việt Nam).
Trong thời gian qua, sự hợp tác giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam phát triển mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu, thế mạnh của cả hai bên. Việt Nam là đối tác ưu tiên của quốc gia này trong nhiều năm qua. Bỉ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực quản lý nguồn nước, y tế công cộng, vệ sinh môi trường gắn với quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu, giáo dục, nông nghiệp...
Viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Bỉ cho Việt Nam cũng tăng thêm hằng năm. Chính phủ Bỉ còn ủng hỗ mạnh mẽ các hoạt động của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Cùng với đó, nhiều vùng, trường đại học và một số tổ chức phi chính phủ của Bỉ đã và đang hoạt động tích cực, hiệu quả tại Việt Nam.
Đặc biệt, vùng cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ liên tục thực hiện các chương trình hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như: giáo dục, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, y tế, ngôn ngữ, xây dựng… với khoảng 25 dự án hiện nay. Không chỉ cử các chuyên gia sang Việt Nam, phía Bỉ còn tiếp nhận nhiều chuyên gia, cán bộ, sinh viên, thực tập sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, trao đổi công tác trong các chuyên ngành như: quản trị kinh doanh, đường sông, cảng biển, nông nghiệp, giáo dục.
Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam trong số các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục tăng hằng năm.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất siêu trị giá gần 2 tỷ USD sang Bỉ. Những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa hai nước là: máy móc thiết bị, phụ tùng máy móc thiết bị, sắt thép, hoá chất, dệt may, giầy dép, nông sản... Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ bảy của Việt Nam tại EU.
Một số nhà đầu tư lớn của Bỉ đã và đang triển khai các dự án tại Việt Nam trong lĩnh vực đường sông, cảng biển. Nhiều doanh nghiệp của Bỉ đang hoạt động tích cực tại Việt Nam trong lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, cà phê, ca-cao, quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Hiện có khoảng 70 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn một tỷ USD, của các doanh nghiệp Bỉ thực hiện thành công tại Việt Nam, đứng thứ 23 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Việt Nam là nước thứ ba ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện và là nước thứ hai ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU.
Việt Nam hiện là một trong những nước châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ sâu rộng nhất với EU trong khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với EU, trong đó có Vương quốc Bỉ. Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với EU là một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại của Việt Nam. Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang, quan hệ Việt Nam - Bỉ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ,
Với sự quan tâm của lãnh đạo cũng như các đối tác hai nước, quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trên các lĩnh vực mang lại lợi ích chung và bổ sung cho nhau sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới như: nông nghiệp thông minh, an toàn thực phẩm, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, y tế, giáo dục-đào tạo, cảng biển, thương mại, đầu tư song phương. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hai bên hướng tới mục tiêu chung là tăng trưởng phát triển bền vững thời kỳ hậu Covid-19.
* Với vị trí địa lý đặc biệt, Vương quốc Bỉ được đánh giá là trung tâm năng động về chính trị - kinh tế - xã hội và đa dạng về văn hóa của EU. Trong những năm qua, quốc gia này luôn giữ vị trí quan trọng trong EU cũng như trên thế giới.
Vương quốc Bỉ là một Nhà nước liên bang, gồm ba cộng đồng ngôn ngữ là cộng đồng sử dụng tiếng Pháp, cộng đồng nói tiếng Hà Lan và cộng đồng nói tiếng Đức. Ba vùng lãnh thổ là vùng thủ đô Brussels ở trung tâm, với hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp và tiếng Hà Lan; vùng Flamande ở phía bắc nói tiếng Hà Lan và vùng Wallonie ở phía nam nói tiếng Pháp và tiếng Đức.
Kể từ năm 1866, ngày 15-11 hằng năm được Vua Leopold II chọn là ngày kỷ niệm để vinh danh Quốc vương Bỉ. Đến năm 1953, ngày này có tên chính thức là “King’s Day” (Ngày lễ của Nhà vua). Trong những năm qua, King’s Day trở thành một trong những ngày lễ lớn nhất tại Bỉ. Tháng 11 hằng năm cũng là tháng đặc biệt đối với mỗi gia đình ở đất nước này.
|
Theo THĂNG LONG (Nhân Dân)